Lễ Dạm Ngõ có ý nghĩa như thế nào trong lễ cưới, cần được tổ chức thế nào để buổi lễ hiện đại được trọn vẹn, hướng tới hạnh phúc lâu dài của con cái trong tương lai…
Ngày nay, lễ dạm ngõ được coi là buổi gặp gỡ đầu tiên giữa nhà trai và nhà gái, chính thức tiến tới mối quan hệ hôn nhân cho con cái. Trong buổi lễ này, hai nhà trao đổi các vấn đề lá số tử vi của hai con, thủ tục cưới được yêu cầu bởi nhà cái, v.v.. trình tự diễn ra như sau.
1. Nhà gái đón nhà trai: Ban đầu, nhà gái sẽ đón đoàn nhà trai, chào hỏi và mời nước. Khác với lễ ăn hỏi và rước dâu đông đúc và nhộn nhịp, lễ Dạm Ngõ chỉ có tầm 5-7 người mỗi nhà, bao gồm cô dâu/chú rể đi cùng bố mẹ và cô dì chú bác. Ông bà thường không ra mặt ở buổi lễ dạm ngõ.
* Về trang phục, hai nhà ăn mặc lịch sự vừa đủ, không cần quá cầu kỳ trong ngày lễ Dạm ngõ.
2. Thưa chuyện: An tọa đâu đấy, hai nhà sẽ giới thiệu các thành viên trong gia đình. Sau đó, nhà trai sẽ thưa chuyện trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng, hai bạn đã tìm hiểu và hai gia đình cũng đã gặp mặt trước đó, nay xin phép nhà gái gặp mặt và trao đổi để có những bước tiến xa hơn.
* Trong lễ Ăn hỏi và Vu Quy, cô dâu chờ trong phòng riêng, đợi chú rể đón. Trong lễ Dạm ngõ, cô gái có thể được vời ra rót nước để mời khách – không phải để nhận họ.
3. Trao lễ: Hết phần chào hỏi, nhà trai sẽ xin phép nay có lễ Dạm ngõ để dâng lên tiên tổ bên nhà gái. Nếu đã thân thiết hoặc có đính ước, chàng trai hoặc thân mẫu sẽ theo mẹ của cô gái mang tráp Dạm ngõ lên ban thờ gia tiên của gia đình. Thông thường, người của nhà gái sẽ nhận tráp và đưa vào nhà trong.
* Chú ý: Trong lễ Dạm ngõ, nếu chàng trai được phép mang lễ thắp hương ở nhà gái, anh sẽ phải làm một mình theo hướng dẫn của nhà gái. Đến lễ Ăn hỏi, chàng trai mới có danh phận đính ước và thực hiện lễ gia tiên cùng cô gái.
4. Trao đổi thông tin: Sau khi trao lễ, nhà trai cám ơn nhà gái và điểm qua những thông tin mong muốn trong buổi gặp mặt chính thức. Cơ bản bao gồm: (1) sinh thần bát tự – năm, tháng, ngày, giờ sinh của cô gái để xem hung cát và chọn ngày giờ tiến hành lễ Ăn hỏi, lễ Cưới; (2) số tráp lễ, yêu cầu lễ vật cụ thể với số lượng chi tiết; (3) tiền lễ đen là bao nhiêu.
Ngày nay, khi các dịch vụ chuẩn bị cho lễ cưới đã phát triển, hai nhà sẽ trao đổi nếu có chuẩn bị chung/riêng, sẵn tiện bàn luôn về việc tổ chức ăn tiệc cưới, nếu chung thì mỗi nhà khoảng có khoảng bao nhiêu mâm. Ngoài ra còn có thủ tục, xác lập lại trình tự các buổi lễ và địa chỉ nhà cụ thể, kiểm tra lại thông tin liên lạc, tránh có sai sót xảy ra.
Ví dụ: Nhiều gia đình gần đây thường trao đổi việc gộp các đám hỏi và vu quy trong một ngày để tiết kiệm thời gian, tránh những bất cập mùa covid.
Cuộc sống mới của cô gái ở bên nhà chồng cũng sẽ được đề cập một cách tế nhị. Nếu có điều kiện, hai nhà có thể trao đổi chuyện cho các con ra ở riêng. Việc này có liên quan đến hồi môn dành cho con gái và sự chuẩn bị của hai nhà. Nếu không, tư trang của cô dâu thường do nhà gái một tay sắp xếp.
Sau khi trao đổi cụ thể và đầy đủ nhất có thể, nhà trai sẽ gửi lời cám ơn nhà gái và cho biết sẽ liên lạc lại sớm nhất để báo việc bốc quẻ, ngày giờ, và những chuẩn bị khác để cho lễ cưới được chu toàn.
Biết xưa để hiểu nay
Trong lễ ăn hỏi của người Việt truyền thống, thông thường có 4 bước: Dạm ngõ, Vấn hỏi, Nạp tài (Nạp trưng), Cưới.
1. Dạm ngõ: Đúng ra đây là ngày đầu tiên mà bố mẹ chàng trai và cô gái gặp mặt, trò chuyện xem nhà có môn đăng hộ hay không. Ngày nay, trước buổi lễ Dạm ngõ hiện đại vẫn còn có một hôm bố mẹ chàng trai đến nhà gái để thưa chuyện để xin qua lại, đây là lễ Dạm ngõ truyền thống hay lễ Nạp Thái theo Chu Công lục lễ.
Trong buổi Dạm ngõ truyền thống, cô gái có thể được vời rót nước để nhà trai xem mặt, vóc dáng, đi đứng, từ đó nhà trai mới quyết xem liệu có bước tiếp hay không – phúc đức tại mẫu. Nếu chàng trai có có mặt trong lễ Dạm ngõ ngày xưa – một điều không phải lúc nào cũng xảy ra – anh ta có thể sẽ nhận được một vài câu đố hay thử thách của nhà gái để xem liệu có xứng đáng làm rể hay không.
2. Vấn hỏi: Sau khi hai nhà cảm thấy hợp và muốn cân nhắc sắp xếp hôn sự cho hai con thì có lễ Vấn hỏi hay Vấn danh. Mục đích của lễ này tương tự như lễ Dạm ngõ hiện đại, hỏi tuổi cô gái và lễ lạt để chuẩn bị cho ngày Ăn hỏi và lễ Cưới.
Việc hỏi tuổi có ý nghĩa sâu xa: hai gia đình thấy hợp là nhân hòa, còn cần xem thiên có thời, địa có lợi, nếu xung khắc mà không thể giải được thì con cái khó mà chung sống – hành sự tại nhân, thành sự tại thiên. Ngoài ra, việc chuẩn bị sính lễ thì nhà trai phải tự biết chuẩn bị, thể hiện sự tinh tế sau buổi Dạm ngõ truyền thống. Nhiều khi nhà trai phải hỏi bà mai, họ ngày xưa có vai trò quan trọng.
3. Nạp tài: chính là lễ Ăn hỏi, đưa sính lễ sang nhà gái để đính ước.
4. Lễ Cưới: tên gộp chung của lễ Vu Quy ở nhà gái, nhà trai đến xin dâu. Rước dâu về, nhà trai làm lễ Thành hôn tại nhà, đón quan khách và tổ chức tiệc cũng tại nhà.
Bài đọc thêm: