Image Alt

PhiLinh

  /  Wedding Box   /  Cưới từ A-Z   /  Nghi lễ cưới   /  Trình tự lễ Ăn hỏi hiện đại ở miền Bắc và những khác biệt truyền thống
PhiLinh Wedding - Trình tự lễ Ăn hỏi hiện đại ở miền Bắc và những khác biệt truyền thống

Lễ Ăn hỏi của người Bắc ngày nay có trình tự thế nào, cần chuẩn bị gì và đã có những thay đổi gì so với trình tự lễ nghi truyền thống …

Trong lễ cưới hiện đại, trước lễ Ăn hỏi là Dạm ngõ, sau lễ Ăn hỏi là Rước dâu. Lễ Ăn hỏi ngày nay tương đương với lễ Nạp trưng, còn gọi là Nạp tài – lễ thứ tư theo nghi lễ truyền thống.

Trình tự lễ Ăn hỏi hiện đại

1. Chuẩn bị: Trước lễ Ăn hỏi, nhà gái cần quét dọn sạch sẽ, trang trí nhà cửa và chuẩn bị trà nước; nhà trai cần chuẩn bị tráp và các lễ đầy đủ để đưa sang nhà gái. Trong buổi lễ, những người có mặt đều phải ăn mặc tươm tất, đặc biệt là cô dâu, chú rể và tứ thân phụ mẫu, người đại diện cũng phải tề chỉnh.

Ngày nay, tráp lễ mang sang nhà gái thường có trầu cau, trà mạn, mứt sen, hoa quả, rượu và thuốc lá. Ngoài ra còn có thể có thêm các loại bánh truyền thống như bánh cốm, bánh phu thê, lợn sữa quay, tráp xôi, v.v.. Bên cạnh đó, nhà trai cũng cần chuẩn bị lễ đen (tiền nạp tài) dựa trên những gì đã được trao đổi từ trước với nhà trai.

 

2. Đón nhà trai và nhận lễ: Thường nhà cô dâu sẽ cử đại diện, gồm bố mẹ cô dâu và các bậc trưởng bối, ra ngoài ngõ hoặc cổng nhà để đón khách (không có cô dâu). Sau màn chào hỏi, nhà trai cảm ơn nhà gái và người đại diện sẽ đề nghị đưa sính lễ vào trước để sắp xếp. Khoảng thời gian tản bộ tiến dần vào nhà gái cũng là lúc tráp lễ đã phải được bày biện xong xuôi.

Đội bưng tráp xưa thường là con cháu trong nhà nên sau khi sắp xếp lễ lạt cũng được sắp xếp bàn dưới để ngồi chờ, trước khi ra về cùng nhà trai.

 

3. Thưa chuyện và đính ước: Sau khi dẫn quan viên hai họ vào gian chính, nhà gái trước tiên sắp xếp chỗ ngồi và rót nước để mời khách. Mọi người an tọa, đại diện nhà trai đứng lên thưa chuyện, kể lại trình tự làm thân giữa hai nhà và những nghi lễ đã hoàn tất.

Mục đích của thưa chuyện này là thể hiện hôn sự thuận ý của trời đất và xin phép mang lễ vật sang để đính hôn – cho thấy tín ước cũng như thành ý của nhà trai.

Đáp lời, nhà gái cũng xác nhận việc hôn phối và nhận lễ, đồng thời chấp thuận để con rể tương lai được lên đón dâu, đồng thời làm lễ ở ban thờ, ra mắt tiên tổ bên nhà gái.

 

* Lần thứ hai lễ vái trước ban thờ gia tiên trong lễ Vu Quy và Thành Hôn là để thông báo việc hai người đã nên vợ, nên chồng.

 

4. Dâu rể ra mắt hai họ: Được sự đồng ý của nhà gái, chàng trai theo mẹ vợ lên đón bạn gái ở phòng riêng, sau đó hai người cùng ra ban thờ gia tiên để thắp hương. Làm lễ xong, cô dâu cùng chú rể ra mắt hai họ, hai người cùng nhau rót nước theo sự sắp xếp của đại diện nhà gái.

Dâu rể mời nước theo thứ tự là nhà trai trước (khách), nhà gái sau (chủ), bậc trưởng bối cũng được mời trước, bố mẹ cô dâu chú rể cũng phải tuân theo thứ tự này.

 

5. Nhà trai xin thông báo ngày tháng rước dâu: Sau tuần trà, nhà gái xác nhận lần nữa việc đính ước và cảm ơn nhà trai đã chuẩn bị chu đáo, đồng thời hỏi ngày giờ để chuẩn bị cho lễ cưới – gồm Vu quy, Thành hôn, và thời gian cho tổ chức tiệc cưới. Nhà trai thuận theo đó trả lời và cảm ơn tới nhà gái, đồng thời gửi lời chúc phúc hy vọng cho một cuộc hôn nhân tốt đẹp trong tương lai. Sau đó, chính nhà trai sẽ chủ động thưa gửi để xin phép nhà gái ra về, chuẩn bị cho việc sửa sang nhà cửa và sắm sửa lễ vật cho đám cưới.

 

6. Lại quả: Song song với việc trò truyện ở gian ngoài, người nhà cô dâu cần nhanh chóng mở các tráp Ăn hỏi mà nhà trai đã chuẩn bị, bớt mỗi thứ lại một phần để gửi lại ngay trước khi nhà trai trở về – đây là tục lại quả.

Việc này vừa phải nhanh chóng vừa phải cẩn thận để mâm lại quả được ngay ngắn. Hơn nữa lại không được đụng đến dao kéo, xé cau phải xé tay. Dao kéo là vật kiêng kỵ trong đám cưới vì là những thứ chuyên dùng để cắt, chém.

Sau khi nhận lễ lại quả, nhà trai cảm ơn và xin phép ra về.

 

* Khác biệt vùng miền: Về căn bản nghi lễ Ăn hỏi của miền Bắc và miền Nam không vênh nhau quá nhiều. Sự khác biệt chính nhiều người biết đến hiện nay là giữa miền Bắc và miền Tây (Tây Nam Bộ). Trong lễ Ăn hỏi của miền Tây, vàng và lễ đen được ước định với giá trị rất lớn. Những bất đồng khác chủ yếu chỉ nằm ở ngôn từ địa phương.

Ăn hỏi trong lễ cũ

Lễ Ăn hỏi của ngày nay tương đương với lễ thứ tư theo Chu Công lục lễ, gọi là Nạp trưng hay Nạp tài. Theo tục xưa, trước lễ này còn có hai buổi lễ gặp mặt rất quan trọng của nhà trai và nhà gái là Nạp Thái và Vấn Danh.

Trong lễ Nạp Thái, hai gia đình gặp mặt trò chuyện ở nhà gái – trước là xem nhà cửa có bóng dáng đôi tay của người phụ nữ hay không, sau là nhìn học thức có tương xứng hay không. Đây mới là lễ Dạm ngõ hay Chạm ngõ đúng nghĩa theo lễ xưa. Nếu hai nhà không thuận ý, sẽ không có lễ tiếp theo là Vấn Danh.

Trong lễ Vấn Danh, nhà trai hỏi sinh thần bát tự (năm, tháng, ngày, giờ sinh) của người con gái để bốc quẻ, kiểm tra xem liệu mệnh hai con có xung khắc. Ngoài ra, gia đình hai bên còn bàn chuyện sính lễ, hồi môn, v.v..

Hợp hung thế nào thì nhà trai cũng sẽ gửi thư cho nhà gái. Nếu kết quả tốt hoặc có thể xoay chuyển cho thuận buồm xuôi gió thì thư sẽ có thêm thông tin ngày giờ hẹn mang sính lễ sang nhà gái để đính ước. Lễ đính ước này, ngày nay gọi là Ăn hỏi.

 

*(Chu Công) lục Lễ bao gồm: Nạp Thái, Vấn Danh, Nạp Cát, Nạp trưng (Nạp tài), Thỉnh kỳ, Thân Nghinh.

 

Bài đọc thêm:

Close
Developed by Tiepthitute
Chat ngay