Image Alt

PhiLinh

  /  Wedding Box   /  Cưới từ A-Z   /  Chuẩn bị cưới   /  Tại sao người phương Tây thường đặt thiệp cưới với hai lớp phong bao?
PhiLinh - Thiệp cưới trong hai lần phong bao

Khi chọn thiệp cưới, các cặp đôi phương Tây thường chọn loại thiệp có phong bao. Đáng chú ý là họ thường yêu cầu tận hai lớp phong bao để bọc lại thiệp cưới…

Lúc mời cưới, người phương Tây có một truyền thống thu hút sự hiếu kỳ của nhiều người: họ thường đặt thiệp mời với hai lớp phong bao. Việc làm tưởng chừng như thừa thãi này thực chất lại bắt nguồn từ những nguyên nhân hết sức chính đáng trong dòng chảy của lịch sử.

Tại sao phải đặt vào phong bao?

Thiệp cưới được để vào phong bao để tránh bị nhòe mực và đạt được mục đích an toàn. Nhu cầu này xuất phát từ giới quý tộc và hoàng gia tại châu Âu.

Giữa thế kỷ XVII, kỹ thuật Mezzotint (in khắc nạo) ra đời đã thay thế cho việc phải nắn nót viết tay hàng chục tấm thiệp cưới. Tuy nhiên, khách nhận được thư thì chữ đã nhòe mực, nguyên nhân là do bị cọ xát khi vận chuyển và vấn đề chất lượng của mực in. Để tránh điều này, người ta đặt thêm một lớp giấy lót mỏng lên trên bề mặt của lá thư, sau đó lấy giấy bọc lại trước khi lấy con dấu để niêm phong. Tấm thiệp cưới vì vậy trở nên chỉn chu, nhưng không dừng ở đó, việc làm này còn giúp hôn lễ được diễn ra an toàn và suôn sẻ.

Thông thường, các công chúa hoặc công nương sẽ mất một vài tuần để di chuyển từ ‘nhà’ bố mẹ đẻ đến ‘nhà chồng’ trước khi cử hành hôn lễ. Chủ nhà sẽ tranh thủ khoảng thời gian này để mời khách và sai người ngựa đi gửi thư. Nếu chẳng may người đưa thư gặp phải kẻ cướp, tấm thiệp đặc biệt sẽ khiến kẻ cướp buộc phải cân nhắc – cản trở lễ cưới hoàng gia hoặc quý tộc thì có thể bị xử tử.

Còn tầng lớp trung lưu và dưới nữa thì sao? Họ thường sống gần gũi trong làng nên thường chỉ cần ra cửa mời nhau là đủ. Ngoài ra, in ấn lúc này đối với họ vẫn còn quá đắt.

PhiLinh - Thiệp cưới trong hai lần phong bao 02

Những tấm thiệp cưới in với kỹ thuật hiện đại trong 2 lớp phong bao (Ảnh minh họa)

Lớp phong bao thứ hai

Cuối thế kỷ XVIII là lúc hai lớp phong bao cho thiệp cưới bắt đầu trở nên phổ biến. Tuy nhiên, truyền thống này không bắt nguồn từ tầng lớp trên của xã hội mà lại đến từ một nhu cầu rất giản dị và phổ thông: tránh bụi bẩn trong quá trình vận chuyển.

Lúc này, hệ thống thư tín đã xuất hiện nhưng lại chưa hề hoàn thiện. Đường xá bụi bặm, chẳng hề êm ái như đường nhựa, công nghệ giảm xóc lại thô sơ. Kết quả là thiệp cưới đến được tay khách mời thì đã mất đi sự trang trọng vốn có. Giới thượng lưu vì vậy vẫn sử dụng cách truyền thống là cho người đi báo cưới và mang luôn theo thư mời.

Tầng lớp trung lưu và bình dân thì khác, họ muốn tiết kiệm chi phí. Kỹ thuật in thạch bản lúc này đã phần nào giúp được điều đó, cho sản phẩm chất lượng cao với giá thành rẻ hơn. Còn đối với vấn đề đến từ hệ thống thư tín, họ giải quyết bằng cách bọc thêm một lớp phong bao thứ hai ngoài thiệp cưới.

Lớp bọc ngoài này sẽ gánh hết mọi bụi bẩn khi vận chuyển. Khi thư đến nơi, người nhận chỉ cần xé bỏ lớp bọc ngoài để lấy ra chiếc phong bao mới nguyên với tấm thiệp cưới bên trong. Đến nửa cuối thế kỷ XIX người ta lại phát minh ra máy gập tự động theo nếp và phong bao nhờ vậy nhanh chóng được sản xuất hàng loạt.

 

The Town Crier

Thời Trung Cổ, dân thường đa phần mù chữ, vì vậy tấm thiệp cưới đối với họ hoàn toàn chẳng có ý nghĩa. Vì vậy, trách nhiệm mời cưới tại địa phương sẽ được trao cho người loan tin (town crier) – một người giọng to khỏe chuyên báo tin tức cho cả làng.

 

Xem thêm:

  1. Thiệp cưới điện tử: Lựa chọn trong thời đại mới
  2. Ngành in ấn tại phương Tây và sự phổ biến của tấm thiệp cưới hiện đại
  3. Phong cách châu Âu với ghế Napoléon – Lịch lãm vượt thời gian
  4. Váy cưới dù bay bắt chước thiết kế của bộ phim Cuốn theo chiều gió
Close
Developed by Tiepthitute
Chat ngay