
Người ta thường nói ngón áp út gắn liên với trái tim nên ngón áp út trở thành ngón đeo nhẫn. Các chuyên gia xem bói chỉ tay liệu có nghĩ như thế không?
Thuật xem (bàn) tay – hay palmistry – rất phổ biến không chỉ ở phương Đông mà cả ở phương Tây. Đối với người Việt, mọi người quen thuộc hơn với tên gọi xem bói chỉ tay, phép xem này bắt nguồn từ Kinh Dịch.
Tuy nhiên, nếu xét về việc đeo nhẫn cưới thì dùng cách diễn giải của âm dương ngũ hành sẽ không còn chính xác. Nguyên nhân vì nghi lễ trao nhẫn này đến từ đám cưới phương Tây, được truyền lại cho tới nay nhờ nền văn minh Hy Lạp – La Mã.
Đối với thuật xem bàn tay cổ xưa, các ngón tay của chúng ta đều có liên kết với các vị thần trừ ngón cái:
- Ngón trỏ gắn với thần Jupiter/Zeus – người đứng đầu đỉnh Olympus;
- Ngón giữa gắn với thần Kronos – cha của thần Zeus và là một vị Titan;
- Ngón áp út gắn với thần mặt trời Apollo – con của thần Zeus và là vị thần của ánh sáng, âm nhạc, thi ca và nghệ thuật, y thuật và tiễn thuật, v.v…
- Ngón út gắn với thần Mecury/Hermes – cũng là con của thần Zeus và là sứ giả của các vị thần Olympus.
Đối với thuật xem bói, ngón áp út thể hiện con đường y thuật hoặc nghệ thuật hay tính lãng mạn của một người. Còn trong hôn nhân, ngón đeo nhẫn thể hiện sự cam kết/ràng buộc được bảo trợ bởi vị thần ánh sáng Apollo.
Đến đây, liệu bạn có đặt câu hỏi: Aphrodite/Venus mới là nữ thần sắc đẹp và ham muốn, thế nhưng tại sao người ta lại đeo nhẫn vào ngón tay biểu tượng của thần Apollo?
Trong hôn nhân, chỉ có tình yêu là không đủ. Để hai người có thể có cuộc sống hạnh phúc trong hôn nhân thì còn cần có tri thức, sự thật thà và tính chung thủy – đều là những điều mà vị nam thần bảo trợ.
Là thần của âm nhạc, thi ca, y thuật và tiễn thuật đã thể hiện đầy đủ sự thông thái. Là vị thần của ánh sáng thì mọi sự giả dối đều sẽ phơi bày. Thế còn sự chung thủy, trong thần thoại Hy Lạp có kể lại một tích như sau:
Công chúa Koronis xinh đẹp là ái nữ của nhà vua Phlegyas xứ Lapiths. Sự xinh đẹp của nàng đã khiến thần Apollo động lòng và lấy cô làm vợ. Tuy nhiên, Koronis không phải là một người vợ chung thủy.
Lúc đã mang thai với thần Apollo, Koronis đã không tỉnh táo và phải lòng một người trần là Ischys. Dĩ nhiên, hành vi này của hai người không thể qua mắt thần Apollo – vị thần của ánh sáng. Hơn nữa, tuy là một công chúa, nàng không chỉ lăng nhăng mà còn khinh thị thánh thần.
Vì thế mà Artemis, nữ thần xạ thủ và cũng là em sinh đôi của thần Apollo, đã giương cây cung vàng thay anh trai mình kết liễu mạng sống của Koronis. Còn đối với Ishchys thì thần Apollo đã sử dụng cây cung và những mũi tên của mình.
Còn đứa bé trong bụng không có tội, thần Apollo đã nhờ thần Hermes đi cứu sinh mệnh bé nhỏ. Cậu bé ấy được đặt tên là Asclepius, sau này trở thành ông tổ của ngành y học phương Tây.
Bài đọc thêm: