
Tùng nho bonsai được trồng trong nhà, đại diện cho họ tùng (thông) trong tứ quý. Cây được trồng trong chậu nhỏ hoặc làm vườn tiểu cảnh. Đối với ngành trang trí sự kiện, có những vườn chuyên trồng cây lấy lá decor và tùng nho không thể nào thiếu trong số đó.
Thế còn ngoài lĩnh vực décor thì sao? PhiLinh đã thử tìm hiểu một chút và phát hiện được một vài bất ngờ thú vị như sau.
Tùng nho không phải tùng
Tên danh pháp khoa học của tùng nho là asparagus retrofractus. Nói cách khác, chúng thuộc họ măng tây. Đúng, thứ măng tây chúng ta vẫn thường ăn trên những bàn tiệc fine dining trong nhà hàng.
Tên gọi tùng nho ở Việt Nam đến từ việc nó giống cây tùng (họ thông lá kim) thu nhỏ. Chữ nho khiến người ta nghĩ đến sự nho nhã. Không biết tên tùng nho xuất hiện có phải vì lý do đó không, còn trên thế giới, chúng được gọi tên phổ biến là Ming Fern – dương xỉ nhà Minh. Tuy nhiên, chúng cũng không phải dương xỉ.
Tùng nho quốc tịch da đen
Nhiều người nghĩ rằng tùng nho được phát hiện ở Trung Quốc dưới triều nhà Minh vì tên gọi Ming Fern. Tuy nhiên, giống măng tây này có xuất xứ ở khu vực Nam Phi – cách Trung Quốc hơn 11.000 km theo đường bay.
Tuy hiện nay được trồng và trang trí rất phổ biến ở châu Á nhưng nguồn gốc của asparagus retrofractus là thế.
Danh xưng mỹ miều
Không chỉ Việt Nam đặt một chiếc tên đầy trừu tượng cho mà cả Trung Quốc cũng thế. Tại quốc gia lớn nhất châu Á này, tùng nho ban đầu được biết đến với cái tên “Pháp Quốc Tùng” (法国松) – do được mang sang từ Pháp. Sau đó, măng tây Nam Phi được biết đến nhiều hơn với tên gọi mỹ miều “Bồng Lai Thông” (蓬萊鬆).
Trong quá trình tìm hiểu về tên của tùng nho, phiên bản tên riêng thực tế nhất là Pom-pom Fern. Tên gọi theo hình dáng vì chúng trông cũng khá giống dương xỉ với túm lá kim đầu ngọn cành rất giống cục bông xù (Pom-pom).
Măng tây không ăn được
Không ai ăn lá kim cả, kể cả măng tây asparagus retrofractus cũng thế. Giống măng tây – tùng nho đặc biệt này là thuần cảnh – để chơi bonsai, trồng tiểu cảnh, hoặc cắt lá sử dụng trong decor. Mặc dù tùng nho không độc không ai dùng để ăn hay làm thuốc.
Kết bài
Đó là một chút tìm hiểu của PhiLinh về tùng nho. Để kết bó hoa cưới hay décor hoa sự kiện, có những người tìm kiếm những loài hoa, thực vật có ý nghĩa. Tuy nhiên, có những giống cây thuần cảnh sinh ra chỉ với mục đích làm đẹp giúp chúng ta gợi nhớ những ý nghĩa đẹp, ví dụ như tùng nho và tuyết tùng.
Đôi khi cuộc sống nên đơn giản đi một chút.
Bài đọc thêm: