Image Alt

PhiLinh

  /  Wedding Box   /  Blog PhiLinh   /  Nguồn gốc và ý nghĩa của hoa Tulip – hoa của sự say đắm và hy sinh

Tulip là những đóa hóa của sự bay bổng và đắm say trong tình yêu. Và để nói về những đóa uất kim hương, người ta thường tìm về những mẩu truyện xưa của người Ba Tư, kể về Shirin và Farhad.

Shirin là con gái quốc vương của xứ Armenia thuộc đế quốc Ba Tư cổ đại, nhiều hoàng tử ngấp nghé cơ hội làm phò mã nhưng công chúa xinh đẹp vẫn chẳng thấy đoái hoài.

Thế nhưng có một chàng trai nọ tên là Farhad. Công việc hàng ngày của chàng là điêu khắc và tạo ra những sản phẩm xinh đẹp từ những khối đá. Chàng phải lòng công chúa Shirin nhưng nàng còn chẳng biết anh tồn tại.

Chàng Farhad buồn bã chỉ có thể tâm sự nỗi lòng mình với người bạn thân là cây sáo. Những cư dân xứ Armenia nghe được tiếng sáo tuyệt vời thì đều nghĩ đến nàng công chúa xinh đẹp. Chẳng mấy chốc, tin đồn lan tới cung điện của Shirin và quốc vương Khosrov.

Công chúa đã tò mò và cùng hầu gái bí mật đến ngọn đồi nơi Farhad thổi sáo. Nghe tiếng nhạc, nàng cảm động trước sự chân thành và đem lòng yêu chàng nghệ nhân.

Con gái vua tìm được ý trung nhân là một người thợ điêu khắc khiến quốc vương Khosrov nổi giận. Tuy nhiên, ngài biết rằng nếu mình ngăn cản thì có thể sẽ đánh mất con gái. Nhà vua bèn cho sứ giả đến gặp Farhad để trao cho chàng một thử thách nhằm khiến anh bỏ cuộc.

Sứ giả nói: quốc vương yêu cầu chàng hãy tạo nên một tuyệt tác: một chiếc cầu thang được tạc dọc theo vách đá. Tất nhiên, chiếc cầu thang phải đủ rộng cho quốc vương và công chúa đi lại được an toàn. Nếu Farhad hoàn thành, sẽ chẳng còn món sính lễ nào tuyệt vời hơn, một công trình có thể khiến nhà vua chạm đến tầng mây thứ chín.

Là một cơ hội danh chính ngôn thuận để trở thành phò mã, để đến với người mình yêu, chàng nghệ nhân khắc đá chất phác nhận lời. Farhad thậm chí còn hạnh phúc khi sứ giả nói với chàng rằng đây cũng là điều kiện từ công chúa Shirin.

Ngay lập tức, chàng đi tới ngọn núi cao chót vót mà quốc vương yêu cầu. Từ sáng đến tối, ngày qua ngày, tháng qua tháng, Farhad chăm chỉ đục đẽo từng bậc thang đá xinh đẹp. Còn nàng Shirin, hết từ hè này sang hè khác, công chúa bí mật đến ngắm nhìn từ xa để dõi theo chàng trai cô đơn vất vả.

Quốc vương Khosrov biết tất cả nhưng chẳng hề để tâm, ông kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi một trong hai người bỏ cuộc. Cũng nhờ đức tính kiên nhẫn ấy, chiếc cầu thang dọc theo vách đá mỗi ngày một cao hơn, tình yêu của công chúa thì ngày một sâu đậm, dân chúng cũng càng ngày càng tin yêu vị phò mã tương lai của họ.

Đến một ngày nọ, cận thần tâu với đức vua rằng thang đá cheo leo đã gần xong. Quốc vương xứ Armenia giật mình sợ hãi, biết làm sao bây giờ khi tất cả mọi sự sắp đặt đều đổ bể. Danh tiếng của Farhad thì nay đã nổi tiếng khắp cả đế quốc Ba Tư.

Trước viễn cảnh quốc vương một xứ phải để con gái của mình đi cưới tên thợ khắc đá hèn mọn, vua Khosrov đã ép nàng hầu của Shirin đến gặp Farhad để thông báo với chàng rằng công chúa đã bất ngờ gặp bạo bệnh mà qua đời. Với kế này, hắn ta nhất định sẽ bỏ cuộc.

Farhad lúc đó đã lên đến gần đỉnh núi để tạc nốt những bậc thang đá xinh đẹp cuối cùng. Chàng nghệ nhân đang vui vẻ vì mong ước sắp hoàn thành thì nhìn thấy hầu gái của công chúa Shirin hớt hải chạy tới mang theo tin dữ.

Trong khoảnh khắc, nét vui tươi trên mặt chàng nghệ nhân biến mất. Không thể tin nổi những lời mình vừa nghe, Farhad vội vàng xuống núi tìm công chúa. Trong cơn hoảng loạn, anh trượt chân ngã và lăn lông lốc trên chiếc cầu thang do chính đôi tay mình đục đẽo. Những bậc cầu thang xám bỗng chốc lốm đốm máu của Farhad, chàng nghệ nhân mất mạng trong khi chẳng hề biết sự thật.

Quốc vương nhận được tin tốt lành thì mừng rỡ. Đức vua mừng đến không để ý công chúa chạy vội lên núi để kiểm tra xem người hầu gái có kể đúng sự thật hay không. Khi nhìn thấy Farhad đáng thương, Shirin đau khổ không lời nào kể hết. Cô leo lên bậc thang sính lễ cao nhất, hướng về phía Farhad, cô nhảy xuống, tự kết liễu đời mình.

Dọc theo những bậc thang đá, từ đỉnh núi cho đến nơi họ nằm cạnh nhau, bỗng nhiên mọc lên những đóa hoa rực rỡ đủ sắc màu lạ mắt ở những nơi đọng máu của hai người.

Câu chuyện bi ai nhanh chóng được kể khắp nơi, dân chúng xứ Armenia thương xót công chúa và người nghệ nhân của họ. Mọi người lên núi hái những đóa hoa ấy đem về trồng ở nhà để luôn nhớ về Farhad và Shirin của họ.

Dần dần đóa hoa ấy trở nên phổ biến và trở thành biểu tượng của đức tin chân thành ở đế quốc hồi giáo Ba Tư. Người ta đặt tên cho hoa theo tên của vị thánh Allah trong tiếng Ả rập là “lale”.

Kể cả đối với những người Ottoman, tuy đế quốc của họ và Ba Tư luôn xảy ra chiến tranh dai dẳng, thì loài hoa ấy vẫn thật xinh đẹp để họ lấy cài trên mũ turban. Chiếc mũ ấy trong tiếng Ottoman được gọi là tulipan trước khi loài hoa ấy khuất phục Hà Lan và cả lục địa châu Âu. Đó là nguồn gốc của cái tên chúng ta vẫn gọi ngày nay: hoa tulip.

P/S: Ở vùng Tây Á của những đất nước hồi giáo như Taliban, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, hoa tulip trở thành biểu tượng của thần thánh và của sự tự do. Hoa tulip thâm chí xuất hiện ở chính giữa quốc kỳ của nhà nước Iran.

Bài viết được thực hiện bởi
Team planning & marketing của PhiLinh Wedding

 

Bài đọc thêm:

  1. Hydrangea – Loài hoa được yêu thích trong đám cưới hiện đại
  2. Diên vĩ Iris – Loài hoa có xứ bản địa là mọi châu lục trên trái đất
  3. Oải hương Lavender – loài hoa cùng sẻ chia cuộc sống với con người
  4. Nguồn gốc và ý nghĩa của hồng O’hara – Thăng trầm và phá cách
  5. Sắc tím: Biểu tượng của thần thánh, vương giả, và quyền lực
  6. Làm sao để tối ưu chi phí hoa trong trang trí đám cưới
Close
Developed by Tiepthitute
Chat ngay