Màu tím: Biểu tượng của thần thánh, vương giả, và quyền lực

Màu sắc nào cũng có ý nghĩa và câu chuyện riêng tư của nó. Màu tím thì tượng trưng cho sự thần thánh, vương giả, và quyền lực. Tại sao?
Bất kể màu sắc nào cũng bắt nguồn từ thiên nhiên, đối với màu tím, nguồn gốc của nó bắt nguồn từ khoáng thạch, tử thảo (gromwell), và ốc gai. Hàng vạn năm về trước, màu tím đã đánh dấu sự xuất hiện trong các hang động tại Pháp. Dường như người cổ đã dùng khoáng vật làm bột màu và dùng bàn tay mình làm khuôn để tạo ra những mảng tranh vẽ giản đơn. Theo khoa học hiện đại, những khoáng vật họ dùng có thể lấy từ quặng hematit và mangan. Nói đến mangan, hẳn nhiều người nhớ đến thuốc tím KMnO4 trong những thí nghiệm hóa học cấp 2, cấp 3. Còn người tiền sử làm thế nào để lấy màu tím từ khoáng vật thì đến nay vẫn chỉ là suy đoán.
Nguồn gốc phương Đông
Tên của tử thảo cũng bắt nguồn từ màu hoa tím của nó – ‘tử’ tiếng Hán trong tiếng Việt là màu tím. Những công dụng của tử thảo được tìm thấy tại nước Tề (齊), đất phong của Khương Tử Nha từ thời nhà Chu. Không chỉ là một loại thảo dược, tử thảo còn được dùng làm thuốc nhuộm. Sản lượng không nhiều và thuốc nhuộm không dễ bám vải khiến cho vải tím trở nên đắt đỏ. Câu chuyện liên quan đến sự xa xỉ của vải tím cũng được ghi lại trong cuốn Hàn Phi Tử, sách lý luận cách áp dụng pháp chế và đạo vua tôi của người xưa:
Tề Vương Hoàn Công (715 – 643 TCN) thích mặc đồ có màu tím, người nước Tề vì thế ai ai cũng thích mặc y phục màu tím. Từ đó dẫn đến chuyện, ở nước Tề, năm súc vải trơn (chưa nhuộm màu) cũng không đổi lấy được một súc vải màu tím. Tề Vương cũng buồn phiền vì chuyện vải tím quá khan hiếm. Biết được việc này, Tể tướng đương triều là Quản Trọng (管仲) khuyên Tề Vương sửa mình.
Ông nói Tề vương muốn dân chúng không mặc vải tím thì bản thân phải làm gương, khuyên vua thiết triều thì ngừng mặc vải tím và thể hiện rằng vua không thích màu tím nữa. Tề Hoàn Công y lời. Chỉ đến ngày thứ hai, triều thần không còn ai mặc y phục màu tím. Tháng đó, kinh thành không còn ai mặc đồ tím. Năm đó, cả nước không còn ai mặc trang phục có màu tím nữa.

Người nước Tề vì thế ai ai cũng thích mặc màu tím, vải tím vì thế trở nên khan hiếm (Minh họa, Nguồn ảnh: Pixabay)
Nguồn gốc phương Tây
Công dân Phoenicia cổ đại là những người đã sản xuất ra thuốc nhuộm tím từ những con ốc biển, một loài ốc gai. Cụ thể hơn, tại hai thành phố biển cổ xưa Sidon và Tyre (ngày nay thuộc Địa Trung Hải), người dân phải cực nhọc mới có thể làm ra được được thứ thuốc nhuộm quý hiếm. Theo mô tả trong cuốn Màu sắc trong đôi tay con người* của tác giả Anne Varichon, những người dân biển phải tìm hàng ngàn con ốc nhỏ xíu, ngâm nước, sau đó tách nhuyễn thể ra khỏi vỏ, chắt lấy dịch của chúng và cho vào trong chậu để đem phơi.
Dưới ánh sáng mặt trời, ‘thuốc nhuộm’ chuyển dần từ màu nước trái cây sang màu trắng, vàng, xanh lục, tím, đỏ, và càng ngày càng đậm – cần căn đúng thời điểm để có được màu sắc mong muốn. Các loại vải sử dụng thuốc nhuộm này sẽ bền màu và luôn luôn tươi sáng. Màu sắc của loại thuốc nhuộm này được gói là tía Týros (tên latin của đô thành Tyre).
Màu sắc tinh tế, quá trình sản xuất lại công phu trong khi số lượng thì khan hiếm hiển nhiên khiến nó trở thành màu sắc của vua chúa và quý tộc. Nhưng không chỉ có vậy…

Vải có sắc tím khác nhau sau khi dùng thuốc nhuộm có chiết xuất từ ốc biển, triển lãm của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Vienna (Wikipedia, CC BY-SA 4.0)
Màu sắc của tâm linh và quyền lực
Trong Cựu ước, sau khi Moses dẫn dắt người Hebrew thoát khỏi sự truy đuổi của Pharaoh Ai Cập đến eo biển Địa Trung Hải, Chúa trời đã chỉ thị ông yêu cầu người Hebrew mang lễ vật đến cho ông. Lễ vật này bao gồm vải xanh lam, tím, và đỏ tươi dùng để làm rèm của Đền Tạm và quần áo của thầy tế. Thời gian ước tính vào khoảng thế kỷ 13 TCN.
Trong Iliad của Homer, chùm đuôi ngựa trên mũ của các chiến binh thành Tơ-roa (Trojan) cũng được nhuộm tím. Vị trí của đô thành này nằm ở phía Bắc Địa Trung Hải. Thời gian xảy ra xung đột giữa những chiến binh Hy Lạp và con ngựa gỗ thành Tơ-roa là vào khoảng thế kỷ 12 TCN.
Tại Địa Trung Hải sau Công Nguyên, Đế chế Đông La Mã Byzantine tiếp tục lựa chọn màu tím để thể hiện sự vương giả và dùng trong ngoại giao. Thời kỳ này, các bản chép tay của Kinh Thánh cũng sử dụng giấy da có sắc tía của Týros. Ngoài ra, phòng lâm bồn của các hoàng hậu cũng được trang hoàng với màu tím (the Purple Chamber), các vị hoàng đế sinh ra ở đây được gọi là ‘born to the purple’ để chỉ dòng dõi hoàng gia chính thống – phân biệt với những kẻ tiếm vương nhờ quân sự hoặc dùng những chiêu trò chính trị. Các giám mục tại nhà thờ trong thời Đế chế Đông La mã (Byzantine) cũng mặc áo choàng trắng với sọc tím, còn quan chức Byzantine thì khoác lên mình những tấm vải vuông sắc tím để thể hiện sự quyền quý.
Chính dòng chảy lịch sử đã khắc sâu ý nghĩa của màu tím trong đời sống cho đến hiện nay – sự thần thánh, vương giả, và quyền lực.

Vua George VI mặc chiếc áo tím trong bức chân dung chính thức thuộc Bộ sưu tập Hoàng gia Anh 403422 (Wikipedia, Public Domain)
Thời Trung Cổ và Phục hưng, vào khoảng thế kỷ 15, màu tím đã không còn được ưa chuộng bởi hoàng tộc. Tuy nhiên, những giáo sư của các trường đại học tại châu Âu vẫn khoác áo choàng kiểu giáo sĩ màu tím hoặc áo choàng có viền tím, những học sinh thần học cũng tương tự. Đến ngày nay, màu tím tuy đã không còn khan hiếm nhưng ý nghĩa cao quý vẫn còn đó.
Trong ngành thiết kế thời trang, màu tím luôn là thử thách đối với các nghệ sĩ. Màu này không dễ dàng để phối, đến khi phối đẹp mắt thì không chắc lên hình đã hài hòa. Trong ngành tổ chức sự kiện nói chung và đám cưới nói riêng, màu tím tôn lên vẻ sang trọng và lịch lãm, huyền bí và vương giả. Tuy nhiên, nếu có dâu rể hay đối tác nào dám làm và chưa chắc các bên decor đã dám nhận. Còn đối với PhiLinh, màu tím vẫn luôn là một thử thách hấp dẫn.
* Couleurs-pigments dans les mains des peuples