Nguồn gốc của blue – màu sắc thiêng liêng mang khí chất Vương giả
Màu xanh blue có rất nhiều từ để diễn tả: xanh da trời, xanh nước biển, màu chàm, xanh cobalt, v.v… Tuy nhiên, theo góc nhìn của PhiLinh, tiếng Việt hiện không có từ đơn nào có thể gói trọn dải màu xanh dương hay xanh làm. Màu xanh thì dễ gây lẫn lộn giữa hai màu lam, lục. Để cho đỡ loạn, bài viết này sẽ dùng nguyên từ của tiếng Anh – (xanh) blue.
Nguồn gốc của blue
Sự xuất hiện của blue trên những kiến trúc lớn, đồ vật, và vải vóc là từ khoáng thạch, thực vật, màu tổng hợp. Khoáng thạch tạo ra màu sắc của blue bao gồm đá lưu ly (lapis lazuli) và quặng azurit, thực vật thì có cây tùng lam (woad) và cây chàm (indigofera).
Kỹ thuật sử dụng màu sắc này không đến sớm như các màu tím, cam, nâu, đen, đỏ – được phát hiện trong các động đá có hàng vạn năm tuổi thọ. Phải đến hơn 3000 năm trước, đá lưu ly mới bắt đầu được khai thác ở những dãy núi thuộc vùng Afghanistan để sản xuất bột màu. Cách đây gần 2500, người Ai Cập mài các loại quặng silic, vôi, đồng, alkali để lấy bột, sau đó nung ở nhiệt độ cao để tạo ra thứ bột màu tổng hợp đầu tiên có sắc blue. Phương pháp này cũng xuất hiện ở Trung Hoa vào thời Tây Chu, khoảng thế kỷ I TCN.
Đối với nguồn gốc thực vật, các nhà khảo cổ tại Áo đã tìm thấy trong những lăng mộ của người Celts những tấm vải nhuộm tùng lam. Niên đại của những súc vải này thuộc thiên niên kỷ I TCN. Trước đó, những tấm vải nhuộm chàm 6000 năm tuổi thọ đã được tìm thấy tại Nam Mỹ, cụ thể ở Peru.
Sinh sau đẻ muộn, các màu sắc thuộc dải blue thường được gọi thẳng bằng tên riêng. Trong tiếng Việt, chúng phần lớn được gọi kèm với từ “xanh”. Ví dụ: xanh lưu ly, xanh azure, xanh lam, xanh indigo (chàm), xanh cobalt, xanh da trời, xanh nước biển, v.v…
Biểu tượng thiêng liêng và khí chất hoàng gia
Trong văn hóa Ai Cập cổ đại, blue không chỉ là màu trời mà còn có thể chống lại ma quỷ, thể hiện sức mạnh của thần thánh. Blue thường xuyên xuất hiện trong các điện thờ, lăng mộ, và trên tượng thần ở Ai Cập. Tại Hy Lạp, màu sắc này cũng được sử dụng tương tự với cùng một ý nghĩa.
Tại châu Âu, thời La Mã cổ đại, xanh blue là dành cho tầng lớp lao động. Các chiến binh thời này thì dùng màu xanh blue để vẽ mặt, thể hiện lòng dũng cảm và trung thành. Đến thời Đế quốc Đông La Mã (Byzantine), blue xuất hiện nhiều trong các nhà thờ – trên hình vẽ chúa Jesus và đức mẹ Maria, họ khoác một tấm vải hoặc mặc áo choàng màu xanh blue.
Đến thời Trung Cổ, blue bắt đầu trở thành màu sắc của hoàng gia. Vào thế kỉ XII, bắt đầu từ nhà thờ Saint Denis tại Pháp, kiến trúc ‘cửa kính ghép màu’ với màu xanh cobalt bắt lan tỏa khắp châu Âu và trở thành biểu tượng của nhà thờ Công giáo. Màu sắc này nhận được sự tôn kính của vua Pháp Louis IX và thường xuyên xuất hiện trên trang phục của nhà vua ngay trong thế kỷ đó.
Tại La Mã cũng thế. Trong thời đại này, Byzantine suy tàn và dần nhường vị thế cho Đế quốc La Mã Thần Thánh. Đế quốc giờ đây chuộng blue và tìm tới dãy núi đá Afghanistan để tìm được quặng lưu ly. Những người thợ sau đó phải tinh chế bột đá lưu ly để lấy được thứ màu cao cấp hơn là màu xanh nước biển đậm (ultramarine). Thứ màu đắt đỏ này giờ không chỉ có trong nhà thờ mà còn xuất hiện cả trên trang phục của Hoàng gia La Mã.
Đây chính là thời đại mà xanh blue đã trở thành biểu tượng của sự thánh thiện, khiêm nhường, và đức hạnh. Vị thế này cứ thế giữ nguyên xuyên suốt thời kỳ Phục Hưng, cận đại, và cho đến tận ngày nay.
Đó cũng chính lý do tại sao trong các đám cưới châu Âu, cô dâu thường mang những món đồ có sắc blue, ví dụ như khăn tay hoặc bít tất. Cuối thời Trung Cổ, khi màu sắc này đã phổ biến, những đám cưới tại vùng Lancashire thuộc Anh thường vang lên câu đồng dao:
“Something old, something new, something borrowed, something blue, and a silver sixpence in her shoe”.
Màu xanh blue cũng mang ý nghĩa bảo hộ, giúp cô dâu tránh khỏi những điều không may trong cuộc sống hôn nhân sau này.
Đọc thêm: Ý nghĩa của “and a silver sixpence in her shoe” trong câu đồng dao ngày đám cưới
Trong thời kỳ Phục Hưng, các nước châu Âu cực kỳ ưa chuộng các món đồ gốm sứ của Trung Quốc với nước men xanh (blue). Họ thậm chí còn tìm cách bắt chước và đánh cắp công nghệ tráng men này của châu Á và cuối cùng cũng đạt được mục đích trong thế kỷ XVIII. |