Năm cô gái / bà vợ xấu xí nhất trong lịch sử Trung Quốc – Ngũ xú Trung Hoa (Phần I)
Mạnh gia nổi tiếng là giàu có nhất vùng, tiểu thư nhà này từ nhỏ đã thông hiểu kinh thư, nhưng dung mạo khi lớn lên lại đen đúa, xấu xí…
Thời Ngũ Đại Thập Quốc, đất Giang Nam nhà Hậu Hán có Mạnh Gia nổi tiếng giàu có nhất vùng. Nhà họ Mạnh sinh được một con gái, đặt tên là Mạnh Quang, tiểu thư từ nhỏ đã thông hiểu kinh thư. Tuy nhiên, nàng lớn lên dung mạo xấu xí, đen đúa. Nhưng Mạnh Quang từ bé đến lớn không vì gia đình giàu có mà kiêu ngạo, cũng không vì kém nhan sắc mà tự ti, chỉ một mực coi trọng việc tu dưỡng đạo đức.
Năm tháng trôi qua, tuổi đã lớn mà tiểu thư Mạnh gia vẫn chưa chồng – không phải vì ít người đến cầu hôn, mà bởi nàng đều từ chối khéo. Thấy con gái như vậy, phụ thân nàng là Mạnh Tùng Thúc (孟从叔) không khỏi sốt ruột, bèn hỏi:
“Con tuổi cũng không còn nhỏ, nhiều năm qua có nhiều người đến cầu hôn, trong đó người giàu cũng có, người có địa vị chức tước cũng có, người khôi ngô tuấn tú cũng có, tài hoa cũng có, nhưng con đều không ưng ý, rốt cuộc là con muốn tìm một người như thế nào?”
“Con hy vọng người đó có tiết tháo như Lương Hồng.” – Mạnh Quang trả lời phụ thân, Mạnh Tùng Thúc không khỏi bất ngờ.
Chàng thư sinh Lương Hồng (梁鸿), tự là Bá Loan (伯鸞) là người khí chất nho nhã, từ bé đã khắc khổ đọc sách. Hồi cậu còn nhỏ, gia đình cũng sung túc, nhiều nhà danh giá muốn kết thân, cuối cùng kết thông gia với họ Mạnh. Về sau, cha mẹ mất sớm khi Lương Hồng tuổi vẫn còn nhỏ, Mạnh Tùng Thúc có ý thoái hôn.
Về phần Lương Hồng, chàng hàn sĩ trước nay chỉ trọng đạo đức chứ không ham tài sắc. Một ngày nọ, ông mời Lương Hồng cùng vài con em nhà giàu đến dùng tiệc, bảo con gái nấp sau bình phong để chọn rể. Trong mâm đó, Lương Hồng là nghèo nhất, ai ngờ Mạnh Quang không chút do dự chọn Lương Hồng.
Phụ thân thấy không thể thay đổi quyết định của con gái nên đành cử hành hôn lễ. Nhưng sau khi kết hôn, Mạnh Tùng Thúc vẫn tiếp tục chê con rể nghèo.
Mạnh Quang thì ngược lại, nàng mặc quần áo vải thô, lấy cành tử kinh (giống cây gai) để cài tóc, cùng Lương Hồng an hưởng cuộc sống thanh bần giản dị. Lương Hồng cũng luôn tôn kính vợ, lại chăm chỉ đọc sách sửa mình, về sau cũng có được công danh.
Về sau, Lương Hồng lại rời chốn quan trường về ở ẩn. Hai người thay tên đổi họ dời đến núi Bá Lăng ở Ngô Trung, giã gạo thuê để kiếm sống.
Vào một buổi trưa, người chủ nhà là Cao Bá Thông có việc tìm đến thì vô tình thấy người vợ dâng chiếc án gỗ lên cao ngang mày để đưa chồng, miệng nói “Thiếp mời chàng dùng bữa”, người chồng thì cung kính cúi đầu: “Nàng vất vả quá. Cảm ơn nàng, cảm ơn nàng!”.
Thấy cảnh này, ông giật mình cảm động, hai vợ chồng nhà này lễ nghĩa quả thực không phải là tầm thường. Về sau hỏi han nhiều người, Bá Thông mới biết hai vợ chồng đi làm thuê này là nhà ẩn sĩ Lương Hồng và nàng Mạnh Quang.
Cuộc sống thanh bần và tôn kính lẫn nhau của 2 vợ chồng không kể giàu sang hay nghèo khó thường được người đời sau nhắc đến ngắn gọn như sau:
舉案齊眉: Cử án tề mi – Dâng án ngang mày
荊釵布裙: Quần bố kinh thoa – Mặc quần áo vải thô, trâm tóc cành tử kinh
相敬如賓: Tương kính như tân – Vợ chồng luôn tương kính lẫn nhau như lúc mới cưới
Một số tựa sách tham khảo:
- Bách gia tính – Lương tính uyên nguyên (百家姓 – 梁姓渊源)
- Đông Hán Quan ký – truyện Lương Hồng
Xem thêm: