Image Alt

PhiLinh

  /  Wedding Box   /  Cưới từ A-Z   /  Chuẩn bị cưới   /  Lễ vật trầu cau trong văn hóa cưới hỏi của người Việt

Mâm trầu cau đám cưới là một phần không thể thiếu trong nghi lễ cưới hỏi của người Việt Nam. Nó không chỉ mang ý nghĩa tình yêu, sự trân trọng và sự gắn kết giữa hai gia đình, mà còn là biểu tượng của sự may mắn, phú quý và hạnh phúc.

Nguồn gốc mâm quả trầu cau trong Ngày Cưới bắt nguồn từ câu truyện cổ tích

Câu chuyện kể là vào đời vua Hùng Vương thứ tư có hai anh em Tân và Lang rất thương yêu nhau. Tân sau khi có vợ thì không còn chăm sóc đến em như trước nữa. Lang lấy làm buồn rầu và bỏ nhà ra đi. Tới bên bờ suối thì Lang mệt quá, gục xuống chết và hóa thành tảng đá vôi.

Tân, không thấy em về, vì thương em nên quyết đi tìm. Đi đến bờ suối thì Tân mệt lả và chết, biến thành cây cau bên tảng đá vôi. Vợ Tân không thấy chồng cũng bỏ đi tìm. Nàng tìm đến bờ suối, ngồi dựa vào thân cau mà chết, biến thành dây trầu không.

Câu chuyện cảm động lan truyền tới tai vua, trong một lần du hành đi ngang qua, Ngài tình cờ phát hiện ra mùi vị thơm cay, nồng ấm khi ăn thử trầu cau tại miếu thờ và mang giống về trồng. Ngài còn xuống lệnh cho thần dân sử dụng trầu cau trong các dịp trọng đại. Tục ăn trầu của nước ta có từ đó và trở thành lễ vật không thể thiếu trong cưới hỏi.

Ý nghĩa mâm quả trầu cau trong Ngày Cưới

Ca dao xưa vẫn lưu truyền Lá trầu là vợ, cau tươi là chồng. Trầu cau, đối với người con gái Việt còn được coi là biểu tượng cho sự tiếp đón đánh giá.

Trong lễ dạm ngõ, mâm quả trầu cau được dùng để thay lời mời ngỏ giúp hai bên thông gia hiểu nhau hơn. Trong lễ ăn hỏi, tráp trầu cau ăn hỏi là tấm lòng của con cháu dâng lên tổ tiên và là lời chào đón nồng nhiệt của gia chủ với khách quan tham dự ngày trọng đại của hai con.

Trầu cau mang ý nghĩa gắn bó và thủy chung, được khắc họa bởi hình ảnh dây trầu xanh tốt quấn chặt lấy cây cau đang vươn mình đón nắng gió. Trầu và cau hòa quyện với nhau tạo nên một màu đỏ thắm với ý nghĩa tượng trưng cho sự sắc son và mặn nồng của đôi vợ chồng mới cưới.

Mâm quả trầu cau trong Ngày Cưới và những điều cần biết

Trước đây mâm quả trầu cau thường được chuẩn bị rất kĩ lưỡng, gồm 01 buồng cau nõn và lá trầu xanh, với mỗi quả cau đi kèm 02 lá trầu cho có đôi có cặp. Người ta thường chọn buồng cau 60 hoặc 100 quả là đẹp nhất, nhưng ngày nay có thể chọn 65 hoặc 105 trái theo quan niệm phong thuỷ và phong tục từng vùng miền.

  • Buồng cau bao gồm 60-65 quả tượng trưng cho 60 năm cuộc đời và chúc cho vợ chồng hạnh phúc cùng bên nhau đến hết cuộc đời.
  • Buồng cau bao gồm 100-105 quả có ý nghĩa tốt đẹp trong ngày cưới với câu chúc “trăm năm hạnh phúc”. Càng nhiều quả cau, càng chứng minh tình yêu son sắc và bền vững bên nhau đến đầu bạc răng long.
  • Buồng cau có vài trăm quả thể hiện sự đủ đầy, sung túc và con cháu đề huề trong cuộc sống tương lai của hai vợ chồng. 

Đối với người miền Bắc, trầu cau được têm cánh phượng, riêng lá trầu thì phải là loại trầu cay, dày và được phết vôi trắng đi kèm thuốc lào. Còn người miền Nam têm trầu theo kiểu bánh ú, với loại lá trầu ngọt và phết vôi đỏ. 

Ngày nay tục lệ ăn trầu không còn phát triển nữa, do vậy mâm quả trầu cau cũng chuẩn bị đơn giản hơn để tiết kiệm chi phí. Nếu nhà trai đủ điều kiện vẫn nên chuẩn bị mâm quả này thật kĩ lưỡng theo hướng dẫn như trên để thể hiện sự tiếp đón nồng nhiệt với con dâu mới.

By PhiLinh Wedding

 

Close
Developed by Tiepthitute
Chat ngay