Điều phối trang trí tiệc cưới và Wedding Planner khác nhau thế nào?
Hai vị trí điều phối có thể khiến nhiều người nhầm lẫn khi tìm đến các dịch vụ cưới hỏi. Chúng mình hãy cùng tìm hiểu về họ nhé…
Khi cưới hỏi phát triển, một số nhà cung cấp hướng đến các dịch vụ trọn gói, theo sát những dịch vụ kiểu này là Planner.
Dịch vụ trọn gói có rất nhiều công đoạn: chọn mua/thuê trang phục, book lịch chụp ảnh cưới, tìm đơn vị làm thiệp, tìm đơn vị trang trí tiệc cưới. Nếu ở Việt Nam, planner sẽ có thêm việc liên hệ bên thuê tráp ăn hỏi, tìm người đỡ tráp, v.v.. để phù hợp với lễ nghi truyền thống của Việt Nam.
Điều phối thi công trang trí tiệc cưới thì thường chỉ tập trung vào trang trí (decor) cho ngày cưới. Họ sẽ theo dõi các thợ hoa cắm hoa, thợ thi công dựng các hình khối theo thiết kế, để ý các nhân viên các bài trí bàn ghế ấm chén xuất hiện trong ngày vui của gia đình.
So với trong nước, các planner ở các quốc gia phát triển phổ biến hơn. Tại sao? Nguyên nhân đến từ 2 điểm khác biệt lớn.
Hai điểm khác biệt
Thứ nhất là các dịch vụ hoàn thiện hơn ở các đất nước phát triển. Ví dụ đối với chụp ảnh, các studio chụp ảnh cưới ở Việt Nam nhiều khi phải thuê thợ chụp ảnh ngoài. Ở nước ngoài, nhiều thợ ảnh chính là chủ tiệm. Đây cũng là nguyên nhân khiến hiếm studio ở Việt Nam có thể cho chất lượng ảnh đều.
Kể cả thiệp cưới, đây là một sản phẩm in ấn. Những ấn phẩm này có thể trông khác với thiết kế trên máy tính – do tay nghề của thiết kế hoặc khâu kiểm soát chất lượng với nhà in không tốt. Không phải designer Việt nào cũng hiểu về in ấn, cũng không nhiều nhà in mạnh về thiết kế sáng tạo.
Nói đến thiết kế cũng phải nhắc đến trang trí tiệc cưới. Phông rạp là những sản phẩm thực tế, còn bản marquette gửi cho khách hàng là thiết kế điện tử. Nếu hiểu cả kỹ thuật dựng và thiết kế thì designer có thể làm ra các bản thiết kế kỹ thuật sát với thực tế, nhưng nhân lực kiểu này còn hạn chế tại Việt Nam.
Rồi còn lễ phục và tráp ăn hỏi, nói chi tiết sẽ có rất nhiều vướng mắc. Do trình độ nhân lực ở nước ngoài cao hơn nên dịch vụ hoàn thiện hơn, chi phí cũng sẽ bớt qua nhiều cửa.
Điểm khác biệt thứ 2 là điều kiện sống ở các nước phát triển cao hơn nên khả năng sẵn sàng chi trả cũng tốt hơn. Tại Việt Nam, cả thu nhập và nhu cầu đối với dịch vụ chất lượng cao hiện nay vẫn còn đang hạn chế.
Ví dụ đa phần các cô dâu ở Việt Nam sẽ lựa chọn thuê váy cưới, thiệp cưới cũng sẽ chọn mẫu có sẵn thay vì tìm thiết kế riêng, trang trí tiệc cưới cũng nhiều người chọn theo mẫu, không nhiều người tìm đến những marquette không đụng hàng.
Planner & Điều phối thi công
Các planner hiện nay đa phần được đào tạo qua thương mại, tức là tìm hiểu các cấu phần dịch vụ và thực hành, học cách xử lý tình huống bề mặt, sau đó trao đổi với các đối tác (trang trí tiệc cưới, váy cưới, v.v..) để tìm cách giải quyết vấn đề. Trên thực tế sẽ diễn ra như sau:
Khi cô dâu chú rể hoặc bố mẹ (khách hàng) thấy có vấn đề và phàn nàn với planner, việc đầu tiên làm dịu khách hàng trước. Sau đó, planner sẽ liên hệ với đối tác để tìm phương hướng giải quyết, nếu có biến động lớn – ví dụ liên quan đến độn giá – planner sẽ buộc phải hỏi cấp trên để giải quyết. Nếu không thể giải quyết, việc dàn xếp với khách hàng sẽ tùy thuộc khả năng của planner.
Đối với điều phối thi công trang trí tiệc cưới, vị trí này cần trải qua một khoảng thời gian đào tạo. Nếu có thể trực tiếp quan sát các cấu phần công việc thi công: lên thiết kế, chọn hoa, cắm hoa, tạo phông bạt, dựng phông rạp, sắp xếp bàn ghế ấm chén… – thì cũng sẽ mất khoảng 1-2 năm để học nghề.
Tuy nhiên, do đặc trưng của ngành cưới, mạng lưới kết nối sẽ được mở rộng dần dần sang cả các dịch vụ trang điểm cưới, váy cưới, quay chụp cưới, đặt tráp lễ, v.v..
Nói cách khác, nếu đã liên lạc được với người điều phối thi công có với khoảng 2 năm kinh nghiệm, thì họ hoàn toàn có thể giới thiệu hoặc thậm chí hỗ trợ các dịch vụ cưới khác cho cô dâu, chú rể từ A-Z. Bên cạnh đó, cũng do hiểu rõ tính chất công việc của bản thân, họ sẽ tư vấn thẳng thắn với cô dâu chứ không mềm mại như planner, bù lại điều phối thi công hướng đến kết quả tối ưu cho đám cưới.
Một đơn vị trang trí tiệc cưới (giấu tên) có chia sẻ trao đổi của một cô dâu khi tìm kiếm dịch vụ cưới hỏi như sau:
“Em muốn làm việc với người có khả năng quyết định và thay đổi, chứ không muốn nói chuyện với các bạn không có khả năng đưa ra quyết định khi có khúc mắc giữa em và đơn vị mình đặt dịch vụ”.
Hy vọng bài viết có thể giúp các cô dâu, chú rể hiểu thêm về ngành dịch vụ cưới, đồng thời đưa ra những lựa chọn tốt nhất – đặc biệt trong những ngày tháng đặc biệt này.
Nguồn: Lostbird
Bài viết được thực hiện với góp ý và tư liệu ảnh của team PhiLinh Wedding
Bài đọc thêm: