Thật là đối nghịch khi tên hoa diên vĩ chữ Hán “鳶尾” có nghĩa là đuôi diều (hâu), trong khi tên tiếng Latin “Iris” lại đặt theo tên của nữ thần cầu vồng trong thần thoại Hy Lạp/La Mã…
Người Hy Lạp không đặt tên hoa theo tên nữ thần cầu vồng của họ chỉ vì màu sắc. Cầu vồng đối với người Hy Lạp còn là chiếc cầu nối đưa linh hồn của người đã khuất lên thiên đàng. Có lẽ vì thế mà hoa diên vĩ cũng còn được gọi là hồ điệp (胡蝶), gọi theo tên của loài bướm, tượng trưng của linh hồn.
Với tên latin phổ biến và ý nghĩa, không ít người nghĩ rằng diên vĩ là giống hoa bản địa của phương Tây. Tuy nhiên, loài hoa này mọc ở khắp nơi trên thế giới với năm châu là bản địa.
Phổ biến là thế, sắc màu cũng đa dạng, tuy nhiên đây chỉ là một phần nhỏ của sự độc đáo. Tại sao không thử tự nghiền ngẫm những ý nghĩa hay ho của Iris thông qua những mẩu tin con con nhỉ?
1. Nữ thần Iris
Iris là hầu cận của nữ thần Hera – vị nữ thần bảo trợ cho hôn nhân, cho phụ nữ và gia đình, đặc biệt là các thai phụ và sản phụ. Chồng của Iris là thần gió Tây Zephyrus, hai người có một con trai là Pothos. Trong thần thoại Hy Lạp, có rất nhiều thần tình yêu (cupids), Pothos chính là một trong số họ.
2. Fleur-de-lis
Năm 1147, vua Louis VII nghe được lời sấm rằng phải lấy hoa diên vĩ làm biểu tượng của đất nước. Nhà vua y lời và những đóa Iris theo đó đã trở thành quốc huy của nước Pháp, kéo dài suốt hơn 600 năm.
Hoa diên vĩ của hoàng gia Pháp tượng trưng cho sự cao quý, quyền uy, và ánh sáng. Chúng xuất hiện trên áo choàng, mũ, khiên, huy hiệu, quyền trượng của đức vua, hoàng tộc và cả giới quý tộc. Những đóa hoa cách điệu có 3 cánh tượng trưng cho đức tin, trí huệ, và tấm lòng hào hiệp (faith, wisdom, valor) – giống với Ai Cập. Hoa diên vĩ vì thế cũng dần được trồng phổ biến hơn tại châu Âu kể từ ngày đó.
Tên hoa trong thời này chủ yếu được biến đến là fleur-de-lis với ý nghĩa sự hợp nhất của đức tin, triều đại, nghệ thuật vào cùng một biểu tượng. Diên vĩ cũng được biết đến với tên gọi fleur-de-luce: hoa của ánh sáng.
Bạn có biết không, rất nhiều font chữ kiểu Âu ngày nay cũng phối fleur-de-lis đấy.
3. The Great Thutmose
Cách đây khoảng 3500 năm ở xứ sa mạc, Thutmose III trở thành pharaoh kế vị khi chỉ mới 2 tuổi. Hoàng tử còn quá nhỏ, đích mẫu buông rèm nhiếp chính. Ai Cập trong khoảng thời gian này tuy vẫn hùng mạnh nhưng tầm ảnh hưởng đã dần bị thu hẹp.
Tròn 24 tuổi, Thutmose III chính thức kế vị và nhanh chóng lên kế hoạch viễn chinh đến Sirya – tức là từ châu Phi vượt eo biển Địa Trung Hải đánh sang bờ Tây Á ngày nay. Pharaoh thắng trận, tuy nhiên điều khiến ông ngẩn ngơ không phải là chiến thắng mà là những khóm hoa diên vĩ ở mảnh đất vùng Tây Á.
Thutmose III mang hoa diên vĩ về quê hương và chúng nhanh chóng sinh sôi, trở thành một biểu tượng của Ai Cập. Không chỉ để ngắm, diên vĩ còn được sử dụng để làm thuốc chữa bệnh và làm trầm hương trong các buổi lễ tế thần Amun – vị thần tối cao trong tín ngưỡng Ai Cập cổ đại.
Trận đánh đầu tiên ấy và những đóa diên vĩ đã mở ra một thời kỳ cực thịnh của triều đại Thutmose. Những chiến tích của vị pharaoh đệ Tam được sánh ngang với Alexandros Đại Đế và Napoléon I với biên giới Ai Cập chưa bao giờ mở rộng đến thế.
Trong thời gian trị vì, Thutmose III cũng cho xây dựng trên 50 ngôi đền Karnak với những biểu tượng hoa diên vĩ. Một số vẫn còn sót lại cho đến tận ngày nay, kể cả trong lăng mộ của pharaoh.
4. Thời hiện đại
Theo thống kê và tìm hiểu của các nhà thực vật học hiện đại, diên vĩ:
- Có hơn 1800 loài khác nhau được phân bổ khắp nơi trên thế giới, nổi bật nhất là ở Nam Phi.
- Có hương thơm hiếm nhất trên thế giới: mát và thanh tao, hợp thành từ mùi đất xen chút với cà rốt, lại thoang thoảng hương violet (phi yến).
- Có hoa để chiết xuất làm hương liệu – nước hoa và tinh dầu,
- Có rễ và thân với vị đắng được bào chế để làm thuốc, chữa cảm mạo, chữa ho, giúp ổn định đường tiêu hóa.
- Bột làm từ thân và rễ diên vĩ là thành phân của phấn rôm trẻ em, kem đánh răng hiện đại, mỹ phẩm, v.v…
Bài đọc thêm: