Image Alt

PhiLinh

  /  Wedding Box   /  Cưới từ A-Z   /  Chuẩn bị cưới   /  Lễ Dạm ngõ truyền thống có những gì? Những điều nhà trai nhà gái cần chú ý
Lễ dạm ngọ cần chuẩn bị và chú ý những gì

Nhiều gia đình lúng túng trong lễ Dạm ngõ, không biết mình phải chuẩn bị gì và ứng xử trước thông gia tương lai như thế nào. Hãy cùng PhiLinh tìm hiểu…

Đúng ra đây là lễ xem mặt của hai nhà, là cơ hội để nhà trai, gồm chàng trai và bố mẹ cậu ta, tìm hiểu về gia đình nhà gái và ngược lại. Tuy nhiên, nay đã khác xưa và lễ Dạm ngõ cũng thế. Chính vì vậy, để hiểu bản chất của lễ Dạm ngõ thì phải hiểu hôn lễ truyền thống.

Hôn lễ truyền thống được ghi chép lại trong Lễ Ký, do các học trò của Khổng Tử ghi chép lại, tương truyền lưu các lễ nghi có từ thời Chu – hay còn gọi là Chu Lễ. Theo đó quy định có 6 lễ: Nạp Thái, Vấn Danh, Nạp Cát, Nạp Chinh (hoặc Nạp tệ hay Nạp Trưng), Thỉnh Kỳ, Thân Nghênh (hoặc Thân nghinh).

Nạp Thái chỉ việc ngỏ lời kết thân. Vấn Danh chỉ việc hỏi họ tên của nhà gái, của nữ tử để nhà trai đi hỏi han xem con cái có hợp nhau hay không. Bốc quẻ xong thì Nạp Cát – nhà trai báo cho nhà gái biết có hợp cưới xin hay không. Nếu nhà gái thuận ý thì đến lễ Nạp Chinh, là nhà trai sang nhà gái tặng sính lễ, tương đương với hứa hôn. Thỉnh Kỳ là lễ cuối cùng, nhà trai đến nhà gái và xin dâu đưa về nhà.

Nói đơn giản, Dạm ngõ trong lễ cưới hiện đại chính là bao gồm hai lễ Nạp Thái và Vấn danh. 

Ngày nay, thường các bạn trẻ đã biết nhau từ trước và ‘con đặt đâu, cha mẹ ngồi đấy’, thế nên thường lễ Dạm ngõ là để bố mẹ hai nhà gặp mặt nhau, hỏi họ tên của con gái để chọn ngày lành hoặc làm phép để giải hạn, cuối cùng là bàn bạc để chuẩn bị cho lễ cưới. 

Cái tráp Dạm ngõ thì đơn giản có trầu cau. Nhà trai nào cầu kỳ thì có thêm rượu Tây, thuốc lá, hoa quả. Có nhà cầu kỳ nữa thì yêu cầu PhiLinh chia hẳn 3 tráp: 1 tráp trầu cau, 1 tráp rượu, 1 tráp quả; hoặc thậm chí là đủ vật bày 7 tráp dồn vào 1 tráp ‘mini’. Có điều cần chú ý là không nên lạm dụng hoa. Nhiều nhà cho cắm hoa che hết lễ, những nhà cầu kỳ và truyền thống thì ngược lại – khoe sự sung túc và thành ý của nhà trai.

Lễ Nạp Thái, Vấn Danh, và Nạp Cát

Các cụ ngày xưa đơn giản hơn mà tinh tế hơn. Thông thường trong lễ Nạp Thái, việc quan sát nữ tử nhà người là quan trọng nhất, vì người phụ nữ chính là linh hồn tương lai của gia đình – phúc đức tại mẫu. Nhà gái cũng thương con, nhà càng có lễ nghi sẽ càng quan sát kỹ để cân nhắc tìm chỗ dựa cho con gái.

Từ phía nhà gái, ông nhạc sẽ thử thách bằng những câu hỏi yêu cầu chàng trai trực tiếp trả lời hoặc thậm chí sai việc để xem gặp người ù lì hay nhanh nhẹn. Nhà trai cũng sẽ có người để ý sân, ngõ, bếp núc, v.v.. – những không gian thể hiện đôi bàn tay chăm sóc của con gái trong nhà.

Một lát sau, nhà gái có thể vời con gái ra rót nước, tạo cơ hội cho đôi trẻ gặp nhau, cũng là để nhà trai xem mặt. Ngày xưa con gái có khăn chít mỏ quạ che tai che gáy, nhưng ngày này thì nhất thiết không dùng. Bởi vì nhà trai không chỉ quan sát cử chỉ, dáng đi, mà con phải xem cả tam đình ngũ nhạc* của cô gái. Nhà gái cũng không vừa, nhiều nhà giấu con gái, để tiểu đồng ra rót nước thay, còn con gái từ xa đứng quan sát.

Sau buổi trò chuyện, nhà nào về nhà nấy. Ngày xưa giấy không quá sẵn, hôn sự lại là chuyện trăm năm, nếu nhà trai hợp ý thì sẽ gửi phong thư sang để Vấn Danh, nhà gái ưng thuận thì sẽ gửi thư trả lời. Vấn Danh ngoài họ tên nữ tử còn hỏi cụ thể bát tự – năm, tháng, ngày, giờ sinh để xem bói quẻ hung cát.

Theo quan niệm người xưa, dù hai nhà thuận ý và ước định hôn nhân cho con cái thì vẫn là ‘hành sự tại Nhân’. Việc hỏi bát tự bốc quẻ hung cát chính là ‘thành sự tại Thiên’. Trong lễ cưới, đôi trẻ cũng phải ‘Nhất bái Thiên Địa’ là vì thế. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa cũng là mong cho cuộc sống tương lai của con cái được hạnh phúc.

Bói được quẻ Cát thì nhà trai báo tin lành, đây chính là lễ Nạp Cát. Sau bước này mới chính thức hết lễ Dạm ngõ của người Việt hiện đại. Nhà trai tiếp theo sẽ chuẩn bị tráp lễ, sửa sang nhà cửa, trang trí sân vườn. Sau đó là lễ Ăn hỏi và cử hành hôn lễ.

*Tam đình (chân tóc – thượng – sơn căn – trung – chuẩn đầu – hạ – địa các); Ngũ nhạc (trán, mũi, lưỡng quyền, cằm là từ trên xuống – Hoàng (Nam), Tung (Trung), Hằng (Bắc), Hoa (Tây), Thái (Đông) Sơn là dọc ngang) [ sách Thạch Thất Thần Dị, Ma Y ]. Ngoài ra còn  Lục Phủ, Tứ Đậu, Ngũ Quan, v.v..

Close
Developed by Tiepthitute
Chat ngay