Có bao nhiêu dịch vụ cần thiết để tổ chức đám cưới tại Việt Nam?
Có thể so sánh đám cưới giống như một dự án được tổ chức trong một ngày lễ đặc biệt. Cũng vì sự đặc biệt ấy mà dự án cần nhiều bên tham gia để có thể thực hiện tốt nhất. Trong bài viết này, hãy thử xoay góc nhìn để cùng team PhiLinh tìm hiểu xem một đám cưới Việt cần những dịch vụ nào nhé.
1. Tráp lễ
Người Việt làm đám cưới có các lễ Dạm ngõ, Ăn hỏi, Vu quy/Thành hôn, có từng ấy lễ thì có tương ứng từ ấy tráp Dạm ngõ, tráp Ăn hỏi, tráp xin dâu. Đây là dịch vụ cơ bản đầu tiên và không thể thiếu trong đám cưới của người Việt.
Dịch vụ này bao gồm chọn hoa quả, rượu bánh, v.v… để kết tráp và trang trí, ngoài ra thường có thêm đội nam nữ bê tráp để phục vụ đám cưới.
2. Lễ phục cưới
Trang phục của cô dâu, chú rể trong ngày cưới là váy cưới và vest hoặc áo dài truyền thống. Các mẹ và bác gái, cô dì cũng phải mặc áo dài, các bố và bác trai, chú, cậu cũng mặc vest lịch sự.
Ngày nay, mọi người có thể tìm thấy các đơn vị lễ phục cưới với tên gọi như sau:
- attire: lễ phục cưới nói chung
- bridal: tiệm váy cưới
- couture: may đo cao cấp thủ công (thường dành cho nữ)
- tailor: tiệm may (thường dành cho nam)
3. Trang trí cưới (Wedding Décor)
Đây là một dịch vụ tổng hợp, đồ sộ và tỉ mỉ. Trang trí cưới là tập hợp các dịch vụ sau:
- Tư vấn và lên thiết kế trang trí
- Sản xuất và thi công các cấu phần trang trí
- Set up phông, cổng, bàn tiệc trong ngày cưới
Vì quy mô như thế nên trang trí cưới gần như trở thành điểm trung gian khi các bố mẹ tìm kiếm các dịch vụ khác để tổ chức đám cưới cho con cái mình. Ví dụ hỏi tráp lễ và tiệc cưới cũng có thể thông qua wedding décor.
4. Dịch vụ ăn uống hoặc hội trường
Tiệc là hoạt động phổ biến sau đám cưới. Gia đình có thể tìm một bên nấu cỗ để tổ chức tại nhà hoặc ở một địa điểm phù hợp. Ngày nay, một phần vì diện tích nhà ở bị thu hẹp và một phần lớn để thể hiện sự trang trọng của ngày cưới, các cặp đôi thường tìm đến những khách sạn đẳng cấp hoặc hội trường cưới để mời tiệc.
Tại hội trường mọi người không chỉ ăn uống mà trước đó còn thực hiện lại các nghi lễ trao nhẫn, cắt bánh, rót rượu kiểu đám cưới phương Tây.
5. Vàng bạc và Trang sức
Nhẫn cưới, đôi bông tai, vòng vàng, vòng ngọc, v.v… Cặp nhẫn cưới để trao nhau, nữ trang để cô dâu thêm lộng lẫy trong ngày cưới, những món vàng bạc và đá quý khác để làm quà cưới hoặc hồi môn.
Tuy nhiên, các bố mẹ thường tìm đến những cửa hàng vàng bạc, trang sức còn vì một lý do nữa: vàng và bạc là những kim loại quý, chúng cùng với ngọc ngày xưa là những món quà hộ mệnh bố mẹ trao tặng cho con cái lập gia đình.
6. Làm tóc và trang điểm
Dịch vụ này cùng trang sức và lễ phục là bộ ba khiến chú rể phải xao xuyến khi nhìn thấy cô dâu của mình trong ngày cưới. Trang điểm cũng giúp cô dâu bình tĩnh và tự tin hơn. Dịch vụ này hiện nay còn được nâng cấp với các dịch vụ spa, làm nail cho cô dâu để sẵn sàng lên xe hoa về nhà chồng.
Trang điểm cũng áp dụng cho chú rể và các bố mẹ, những người đại diện cho hai bên gia đình trong lễ cưới.
7. Thiệp mời cưới
Ngày xưa người hay chữ mới viết thiệp nên việc dùng thiệp mời là một nét văn hóa truyền thống dù ở phương Đông hay phương Tây. Trong đám cưới, việc dùng thiệp mời thể hiện sự trang trọng đặc biệt đối với khách mời. Ngày nay dù thiệp đã trở nên sẵn có và phổ thông nhưng nhiều gia đình vẫn nắn nót viết tay tên của khách mời cưới là vì thế.
8. Âm thanh & Ánh sáng
Dịch vụ âm thanh thường chỉ xuất hiện khi có hàng trăm khách mời cưới, nhất là tiệc ngoài trời. Dịch vụ ánh sáng thì chủ yếu xuất hiện trong hội trường, hướng ánh đèn về những nghi thức tâm điểm của hôn lễ.
Hai dịch vụ này thường sẽ kết hợp khi tiệc cưới được tổ chức vào buổi tối ở ngoài trời.
9. Dịch vụ di chuyển
Ở nước ngoài, dịch vụ này hỗ trợ cô dâu chú rể đón những khách mời từ phương xa đến tham dự ngày lễ trọng đại của cặp đôi. Ở Việt Nam, dịch vụ này hỗ trợ đoàn nhà trai, gái di chuyển trong các nghi lễ truyền thống và đến địa điểm tổ chức tiệc cưới.
Dịch vụ này đã bảo gồm vận chuyển tráp lễ.
10. Xe hoa
Ngày xưa cô dâu sẽ lên kiệu hoa về nhà chồng. Ngày nay, cô dâu thường cùng chú rể lên xế hộp sang trọng được trang trí hoa tươi.
Nhiều người cảm thấy đây là một dịch vụ hình thức. Điều này không đúng. Nếu gia đình có xe riêng thì chiếc xe thể hiện sự sung túc của gia đình, còn nếu thuê xe thì thường là những chiếc ô tô kiểu hoặc cổ điển, thể hiện gout thẩm mỹ của cặp đôi.
11. Dịch vụ quà cưới
Dịch vụ quà cưới khá đặc biệt. Nó không phải là nơi để bạn bè và người thân tìm đến để mua quà cho cô dâu chú rể mà là ngược lại, cặp đôi sẽ tìm chọn món quà phù hơp để tặng cho hàng chục, thậm chí hàng trăm khách mời.
Cô dâu chú rể sẽ chọn những món quà thể hiện sở thích của hai người để trao kỷ niệm cho khách tham dự đám cưới.
12. Người dẫn chương trình
Ngày xưa, người lên tiếng thay mặt trưởng bối hai nhà là ông mai, bà mai; ở phương Tây họ là những cha xứ hay linh mục; còn ngày nay là người dẫn chương trình (MC).
Để trở thành người dẫn chương trình trong đám cưới, một người phải nắm rõ các nghi lễ, đồng thời phải tùy cơ ứng biến để ‘nhập gia tùy tục’ vì mỗi gia đình một khác. Đám cưới trở nên trang trọng hơn và có thể tránh được nhiều rủi ro khi có những MC đám cưới giàu kinh nghiệm.
13. Bánh mừng đám cưới
Một chiếc bánh khổng lồ là điều mọi người hay nghĩ đến trong đám cưới hiện đại. Tuy nhiên, điều này xem chừng khá lạc lõng ở Việt Nam khi khách mời thường dự tiệc mặn trong đám cưới.
Những cặp đôi lãng mạn vì thế thường đặt bánh riêng thay cho chiếc bánh cưới được tặng ở hội trường. Sau đó, hai vợ chồng sẽ mang chiếc bánh về nhà để thưởng thức riêng cùng gia đình hoặc kỷ niệm riêng cùng nhau.
14. Wedding Planners
Đây là một dịch vụ cao cấp và hiện đại ở Việt Nam khi ngành cưới đang hết sức phát triển. Nhiều dịch vụ cần thiết cho đám cưới, nhiều đơn vị để lựa chọn cho cùng một dịch vụ. Sự thay đổi về nghi lễ sau Covid. Rồi các đám cưới đa quốc tịch, đám cưới du học sinh, đám cưới du lịch, v.v…
Có thể tóm tắt công việc của các planners như sau:
- Lên kế hoạch cho đám cưới
- Trao đổi với các nhà cung cấp, đồng hành cùng dâu rể
- Điều phối đám cưới
Vì phải làm việc với nhiều dịch vụ khác nhau nên nhiều người nhầm lẫn planners và decorators. Tuy nhiên, thu nhập của decorators đến từ việc tư vấn và lên thiết kế, sản xuất, thi công và trang trí, cho thuê bàn ghế, phông rạp, v.v…; còn thu nhập của planners đến từ những dịch vụ nêu trên.
Bài đọc thêm: