Image Alt

PhiLinh

  /  Wedding Box   /  Cưới từ A-Z   /  Nghi lễ cưới   /  Các bố mẹ sẽ trao đổi những gì trong lễ Dạm ngõ hiện đại?
PhiLinh Wedding - Các bố mẹ sẽ trao đổi gì trong ngày lễ Dạm ngõ

Lễ Dạm ngõ hiện đại không chỉ đơn thuần là gặp mặt, đây còn là khoảng thời gian bố mẹ hai nhà trao đổi việc tổ chức hôn lễ cho con cái…

Theo trình tự lễ cưới hiện đại, trước lễ Dạm ngõ là buổi bố mẹ của hai nhà làm quen, sau lễ Dạm ngõ là Ăn hỏi và lễ Cưới. Nói cách khác, lễ Dạm ngõ là để trao đổi các vấn đề liên quan đến hai buổi lễ sau đó – ngày giờ, lễ vật, hồi môn, v.v… cụ thể như sau:

1. Hỏi bát tự (danh tự)

Bát tự là năm tháng ngày giờ sinh của cô gái. Ví dụ: Tết nguyên Đán của năm tới là Nhâm Dần gồm có hai chữ, mỗi chữ đại diện cho một đại lượng của khoa học truyền thống – Dần thuộc 12 con giáp, còn gọi là địa chi, Nhâm thuộc thập thiên can – Giáp, Ất, Bính, Đinh, v.v… Cách gọi năm tháng ngày giờ theo Âm lịch hay Hoàng lịch đều gồm có hai chữ, vì vậy thường gọi là bát tự.

Nhà trai hỏi bát tự của cô gái trước tiên là để xem lá số tử vi của hai con có hợp nhau hay không. Nếu không hợp, nhà trai sẽ tìm phương cách giải hạn. Ngoài ra, bát tự này còn liên quan đến việc chọn ngày giờ khởi hành và tổ chức các lễ Ăn hỏi, lễ Rước dâu (Vu Quy), và Thành hôn. Nhà nào để ý hơn nữa thì từ lá số tử vi còn cân nhắc việc sửa sang phòng thất của dâu rể cho hợp với phong thủy để cuộc sống tương lai của các con được yên ấm.

PhiLinh Wedding - Các bố mẹ sẽ trao đổi gì trong ngày lễ Dạm ngõ 01

Nhà trai hỏi bát tự của cô gái để sau kiểm tra lá số tử vi của hai con có hợp nhau hay không

Các bạn trẻ hiện đại nhiều người thích bói vận mệnh, tình yêu theo 12 cung Hoàng đạo (Horoscope) là môn chiêm tinh học của Babylon cổ. Với cách này, ứng theo năm tháng ngày giờ, mỗi người ai cũng đều có một bản đồ sao phức tạp, đây cũng là một dạng lá số tử vi.

* Theo Chu Công lục lễ, ngày Dạm ngõ hiện đại thuộc lễ Vấn Danh của ngày xưa. Trong ngày này, ngoài hỏi bát tự còn hỏi tên. Người xưa ngoài bói quẻ theo lịch pháp còn có bói chữ để tìm hiểu vận mệnh.

2. Nghi lễ và tiệc cưới

Để mọi việc diễn ra suôn sẻ, nhà trai và nhà gái sẽ điểm lại chi tiết lộ trình các buổi lễ trong đám cưới. Việc này bắt đầu từ địa chỉ, vị trí nhà mặt đường hay ngoài ngõ, hai nhà đi nhiều xe hay ít xe, địa điểm đỗ xe như thế nào, v.v.. Trong bối cảnh dịch bệnh thực tế hiện nay, nhiều nhà cũng thường trao đổi vấn đề gộp các đám hỏi và vu quy trong một ngày hoặc thậm chí nửa ngày, tránh bất cập và di chuyển quá nhiều mùa covid.

Sau đó các bố mẹ sẽ trao đổi về tiệc cưới, ăn chung hay ăn riêng, mỗi nhà có bao nhiêu mâm. Những thông tin này là cần thiết để lựa chọn hội trường, nhà hàng hoặc khách sạn với các dịch vụ tương ứng sao cho phù hợp.

3. Chuẩn bị sính lễ

Mục đích của việc trao lễ vật là đính ước. Ý nghĩa của tráp lễ là để tạ công ơn sinh thành giáo dưỡng và nhớ về cội nguồn của cô gái.

Sính lễ do nhà trai chuẩn bị khi có 5 tráp, khi có 7 tráp, 9 tráp. Về bản chất, số lượng này phụ thuộc vào sự đông đúc của gia đình nhà gái. Gia đình truyền thống xưa sống quây quần, có nhà tứ đại đồng đường – 4 thế hệ cùng quây quần sinh sống.

Ví dụ: 5 tráp là tương ứng với tổ tiên, bố mẹ, thêm ông bà bên nội hoặc bên ngoại vẫn còn.

Về các loại vật phẩm, truyền thống có trầu và buồng cau, xôi nếp, bánh phu thê, v.v.. hiện đại thì có thêm rượu, thuốc lá, một số trường hợp đặc biệt thậm chí còn có giày và quần áo.

Số lượng vật phẩm trong các tráp lễ ngoài dành cho nhà gái sẽ còn một phần dành cho lại quả – nhà gái gửi lại một phần lễ vật cho nhà trai. Ý nghĩa là nhà gái đã nhận lễ, chấp nhận hôn sự, nhà trai nhận lễ ấy dâng lên trưởng bối, tổ tiên để thông báo và bày tỏ sự tôn kính.

Ngoài vật phẩm theo tráp lễ còn có lễ đen, mục đích để nhà gái gửi các chức sắc trong làng, nhờ báo hỷ sự với thần linh tại địa phương và báo tin vui với xóm làng. Trong cuộc sống hiện đại, nhiều người không tin thần linh và coi trọng việc cúng tế, tuy nhiên lễ đen này vẫn được bao gồm trong sính lễ.

PhiLinh - Trang trí tư gia Vinhomes Riversides (51)

Ý nghĩa của tráp lễ là để tạ công ơn sinh thành giáo dưỡng và nhớ về cội nguồn của cô gái

4. Trang trí cưới

Ngày nay, dịch vụ trang trí tiệc cưới đã trở nên phổ biến, rất nhiều tráp lễ được đặt thông qua chính các đơn vị trang trí. Dịch vụ này bao trùm từ lễ Ăn hỏi cho đến khi tiệc cưới kết thúc, trang trí từ ngoài cửa cho đến trong nhà, thậm chí lễ đường tại các trung tâm hội nghị tiệc cưới đối với những gia đình khá giả.

Lễ Ăn hỏi có bao nhiêu người tham dự, rồi lễ Vu Quy và Thành hôn, số lượng sẽ ảnh hưởng đến số bàn ghế, ấm chén và quy mô nhà rạp phải sử dụng. Toàn bộ những việc này đều được bao thầu bởi các nhà trang trí tiệc cưới.

Ngoài ra, dịch vụ này ngày nay thường được hai nhà trao đổi để tránh lệch tông trong ngày đẹp, hoặc nếu giống nhau thì bất tiện. Những trang trí này không chỉ thể hiện niềm vui của dâu rể, nó còn thể hiện bộ mặt và sự chuẩn bị chu đáo của nhà trai, nhà gái – được lưu lại thành ảnh và video sau đó.

PhiLinh - Trang trí tư gia Vinhomes Riversides (268)

Quay chụp và trang trí nay đã trở thành một phần không thể thiếu của các đám cưới Việt Nam

5. Của hồi môn

Đây là những vật dụng cơ bản, quần áo, trang sức của cô dâu thường được nhà gái chuẩn bị trước khi cô dâu về nhà chồng. Nếu nhà trai đã có điều kiện để sắm sửa đầy đủ thì hồi môn sẽ thu gọn – thường là bảo vật gia truyền từ mẹ, bà để lại cho con gái.

Ngày nay, một số nhà khá giả thường sắp xếp để con cái ở riêng. Trong trường hợp này, bố mẹ hai nhà sẽ cần sắm sửa thêm vật dụng và việc này cũng sẽ được thảo luận.

* Nhiều bạn trẻ ngày nay chủ động hơn và thường lên danh sách những món đồ cần chuẩn bị trước nếu sống riêng. Họ chuẩn bị cùng bạn bè để tránh chịu áp lực tài chính từ các bố mẹ và cũng để tự lập hơn trong cuộc sống.

 

Bài đọc thêm:

  1. Trình tự lễ Ăn hỏi ở miền Bắc và những khác biệt truyền thống
  2. Xuân Nhâm Dần 2022: Gộp 2 lễ Ăn hỏi và Đón dâu cùng một ngày ở nhà gái
  3. Trình tự lễ Rước dâu (Vu Quy) và Thành hôn hiện đại của miền Bắc
Close
Developed by Tiepthitute
Chat ngay