Váy trắng không phải là lựa chọn ưu tiên vì rất khó để giặt giũ. Váy cưới trắng vì thế cũng không phải là truyền thống và có tuổi thọ lâu đời như nhiều người lầm tưởng…
Năm 1840, nữ hoàng Anh Victoria bước vào lễ đường trong chiếc váy cưới màu trắng, chính thức tạo tiền lệ đầu tiên cho váy cưới trắng trong các đám cưới hoàng gia.
Những nền móng đầu tiên
Những đám cưới hoàng gia vốn được biết đến là xa hoa, ẩn chứa thông điệp của sự thịnh vượng và những mối giao hảo về chính trị. Vòng xoáy ấy cuốn theo cả chiếc váy cưới.
Năm 1503, công chúa Anh Margaret của nhà Tudor kết hôn với hoàng tử Scotland là James IV. Margaret phải được dìu vào thánh đường vì bộ váy cưới của bà quá nặng – do được trang hoàn toàn bằng đá quý.
Năm 1816, công chúa Charlotte của xứ Wales bước vào lễ đường trong chiếc váy cưới dệt kim tuyến bạc. Chiếc váy xa hoa có giá trị tương đương với 1,3 tỷ USD hiện nay, đã tính theo tỉ lệ lạm phát.
Còn váy cưới của nữ hoàng Victoria thì ngược lại, một chiếc váy cưới giản dị đơn thuần với màu trắng. Bà muốn thể hiện đám cưới của mình với hoàng tử Albert là do tình yêu chứ không phải là sắp xếp của những mưu đồ chính trị.
Để trang trí, chiếc váy cưới của nữ hoàng cũng không sử dụng châu báu mà chỉ dùng viền đăng ten Honiton – sản xuất thủ công tại làng Beer thuộc hạt Devon. Bà hy vọng đám cưới của mình sẽ giúp thúc đẩy ngành công nghiệp đăng ten của nước Anh đang sa sút.
Không ngoài dự đoán, sau đám cưới với hoàng tử Albert, chiếc váy của nữ hoàng Victoria được đưa tin rộng rãi và nóng hổi suốt nhiều tháng. Câu chuyện tình yêu lãng mạn và chiếc váy giản dị mà đẹp đẽ xuất hiện trên mọi mặt báo và các tạp chí dành cho phụ nữ.
Nhờ có truyền thông, cô gái trẻ nào vào thời đó cũng mong ước có được chiếc váy cưới trắng như của nữ hoàng. Về sau, con cháu dâu rể của bà cũng giúp khẳng định vị thế chiếc váy cưới trắng trong các lễ cưới hoàng gia:
- Năm 1858, công chúa Victoria, con cả của nữ hoàng kết hôn với hoàng tử Frederick William xứ Prussia;
- Năm 1863, hoàng tử Edwards của xứ Wales, đứa con thứ hai của bà lấy công chúa Đan Mạch Alexandra;
- Năm 1885, công chúa Beatrice, con gái út của nữ hoàng Victoria kết hôn với hoàng tử Henry xứ Battenberg;
- Năm 1893, cháu trai George V của Victoria lấy nàng Mary của xứ Teck;
- Năm 1923, chắt nội của bà là công tước Albert của xứ York đã lấy công nương Elizabeth Bowes-Lyon, người sau này trở thành nữ hoàng Elizabeth I.
Tất cả những cô dâu trên đều mặc váy cưới trắng và danh sách ấy cứ thế ngày một mở rộng, từ hoàng gia cho đến giới quý tộc tại châu Âu. Sau đám cưới của nữ hoàng Victoria, chiếc váy cưới trắng đã trở thành biểu tượng của một tình yêu lãng mạn và thuần khiết.
Biến nghĩa
Nhờ đám cưới của nữ hoàng Victoria, chiếc váy cưới trắng giờ đã phổ biến hơn tại xã hội thượng lưu và trở thành một biểu tượng cao quý. Tuy nhiên, biểu tượng này vẫn ít được cân nhắc ở nhiều giai tầng xã hội khác và hiện thực này phải mất hơn 100 năm mới có thể thay đổi.
Năm 1870, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ hai nổ ra. Trong đó, ngành dệt được hưởng lợi và vải vóc được sản xuất hàng loạt. Xà phòng cũng dần trở nên rẻ hơn, các nhà khoa học cũng dần nghĩ đến việc dùng điện cho các máy móc giặt giũ thô sơ. Tưởng chừng đây là thời điểm thuận lợi cho chiếc váy cưới trẳng ý nghĩa trở nên phổ biến, thì đại chiến thế giới nổ ra đầu kế kỷ XX.
Thời điểm diễn ra 2 cuộc Thế chiến, hầu hết tài nguyên và công nghệ đều tập trung cho chiến tranh. Vải vóc và màu sắc một lần nữa trở nên khan hiếm và xa xỉ. Các đám cưới ở châu Âu đã diễn ra ít hơn trong thời đó, các cô gái vẫn phải tận dụng vải lụa hoặc vải nilon màu trắng lấy từ dù bay – của cha ông họ hoặc của quân địch – để làm váy cưới.
Tuy vẫn là màu trắng, nhưng chiếc váy cưới đã nhuốm màu u ám của chiến tranh. Tuy nhiên do thiếu thốn, nhiều phụ nữ tại Mỹ, châu Âu, và châu Úc cũng có làm theo xu hướng này.
Sự thống trị của chiếc váy cưới màu trắng
Kết thúc hai cuộc chiến tranh thế giới, kinh tế dần phục hồi trở lại và hướng nhiều hơn đến đời sống phổ thông. Xà phòng càng ngày càng rẻ và được tinh chế tốt hơn, máy giặt tự động cũng dần trở nên phổ cập. Còn váy cưới trắng, những đám cưới nổi tiếng và sự lan tỏa của truyền thông lại một lần nữa gợi nhớ cho mọi người về vẻ đẹp của nó.
Năm 1956, không ít khán giả màn ảnh nhỏ đã chứng kiến nữ minh tinh Grace Kelly trong chiếc váy cưới màu trắng. Trong lễ kết hôn với hoàng tử Rainier III của Monaco, cô mặc váy làm từ vải lụa và đăng ten, với veil đính ngọc trai – tất cả đều màu trắng.
Đến năm 1981, theo thống kê của CNN, lễ cưới của công nương Diana và hoàng tử Charles của xứ Wales đã có hơn 750 triệu lượt theo dõi – tương đương với hơn 16% dân số thế giới thời bấy giờ. Chiếc váy lụa trắng đầy ấn tượng với đuôi váy dài hơn 7 mét.
Hai đám cưới này đã hội tụ tất cả những điều kiện cần và đủ để chiếc váy cưới trắng trở thành kẻ thống trị trong hầu hết các lễ cưới hiện đại. Mặc dù không phải lựa chọn duy nhất, nhưng ngày nay hễ nhắc tới đám cưới là mọi người đều nghĩ đến hình ảnh của nó – một chiếc váy cưới màu trắng.
Lại chuyện giặt giũ Xà phòng đã cứu thoát con người khỏi gánh nặng giặt giũ – và đôi khi là đói. Khi bắt đầu trở nên phổ biến vào thế kỷ XVIII, xà phòng là thứ có thể ăn được. Vào thời điểm đó, thành phần chủ yếu của xà phòng là chất béo động vật/thực vật và tro. Chẳng ngon lành gì nhưng bỏ vào bụng cũng không đến nỗi gây hại, chẳng giống như xà phòng tổng hợp của bây giờ. Đây chính là nguyên nhân mà một số bộ phim hoạt hình dành cho trẻ em có cảnh các nhân vật nuốt phải xà phòng vào bụng và miệng xuất hiện bong bóng. Nhưng thời nay thì trẻ con bị cấm tiệt, các bạn cũng đừng thử nghiệm tại nhà. |
Xem thêm: