9 phong tục thể hiện sự gắn kết của vợ chồng trong đám cưới
Nếu ngày cưới là cột mốc khởi đầu cho sự gắn kết của vợ chồng thì phong tục nào sẽ tạo ấn tượng khó quên về ngày ấy?
1. Phóng sinh
Lễ Hằng Thuận ở Việt Nam có tục thả chim phóng sinh để cầu phúc. Tục này trên thế giới cũng có, nhưng là vợ chồng đi thả bướm. Ý nghĩa của phong tục này là để thể hiện tình yêu và hy vọng của cặp đôi khi bước sang trang mới của hôn nhân.
2. Quấn chăn
Người Mỹ bản địa sẽ quấn quanh cặp vợ chồng mới cưới những chiếc chăn được dệt từ sợi bông. Hành động này tượng trưng cho sự ấm áp của hôn nhân và luôn bên nhau để xây dựng tương lai bền chặt.
Đầu tiên, mỗi người được quấn một chiếc chăn màu xanh lam, tượng trưng cho duyên phận từ tiền kiếp. Tiếp theo, cặp đôi được bọc trong một tấm chăn đơn sắc màu trắng, tượng trưng cho sự săn sóc và hài hòa trong cuộc sống mới của hai người.
3. Tie the Knot (Thắt nút dây)
Đây là nghi lễ không thể thiếu trong đám cưới truyền thống của những cặp đôi người Ireland. Sau lời thệ nguyện, chủ tế sẽ dùng vải hoặc những sợi dây tết thủ công để quấn quanh tay của đôi vợ chồng mới cưới, sau đó thắt nút.
Những nút thắt (knot) tượng trưng cho sự kết nối của duyên phận và sự bền chặt trong cuộc sống mới của hôn nhân.
4. Ký bản kết ước Ketubah
Những cặp vợ chồng người Do Thái thể hiện cam kết hôn nhân với bản khế ước Ketubah – tiền thân của hợp đồng hôn nhân thời hiện đại.
Họ phải đọc kỹ bản khế ước với những điều răn về đạo đức và về bổn phận của vợ chồng. Deadline của việc hạ bút ký tên là ngày cuối cùng trước đám cưới. Hơn nữa, sẽ có thêm hai người làm chứng ký tên chứ không chỉ mỗi hai vợ chồng.
Chưa hết, khế ước Ketubah sẽ được sử dụng công khai sau nghi thức trao nhẫn. Họ sẽ đọc to từng chữ trong khế ước trước chủ tế, người làm chứng, họ hàng và bè bạn, thể hiện cam kết chân thành đối với nhau trước mọi người và trước Chúa.
5. Hòa lửa
Theo truyền thống cổ xưa tại châu Phi, lửa là đại diện của gia đình. Trong đám cưới tại châu Phi, họ không trao nhẫn hoặc thắt nút dây mà sẽ lấy lửa từ bếp của hai nhà hòa lại làm một. Sau đó, vợ chồng sẽ dùng chính ngọn lửa này để thắp bếp mới của nhà mình. Cặp đôi có thể mời bố mẹ đến cùng tham gia nghi lễ.
Ngày nay, phong tục này được đơn giản hóa bằng việc cặp đôi cùng nhau thắp lửa.
6. Thắp nến
Nghi lễ nổi tiếng nhất tượng trưng cho sự hợp nhất trong đám cưới có lẽ là tục thắp nến của người Hebrew và người Christian. Cô dâu và chú rể, mỗi người sẽ cầm một ngọn nến nhỏ và cùng nhau thắp một ngọn nến to hơn.
Trong đám cưới, những ngọn nến lung linh tượng trưng cho những linh hồn chứng giám và chúc phúc. Chúng được đặt ở lối vào bởi khách mời và trên bàn tiệc của những gia đình khác. Đôi khi, cha mẹ dâu rể sẽ cùng tham gia nghi thức này, thể hiện cho sự đoàn viên của hai bên gia đình.
7. Blending of the Sand
Rót cát hay hòa cát – là nghi thức đôi vợ chồng mới cưới đổ cát vào một chiếc bình lớn. Họ lấy cát từ hai chiếc bình khác nhau, thường mỗi bình đựng có một màu cát khác nhau. Nghi thức này biểu thị cho sự hòa làm một của cặp đôi. Nghi thức này chủ yếu xuất hiện trong những tiệc cưới bãi biển và ngoài trời
8. Stefana (đôi)
Trong Chính thống giáo Hy Lạp, stefana hay vương miện cưới là tâm điểm của hôn lễ. Không phải một chiếc vương miện bằng vàng hoặc kim cương, đôi khi nó chỉ là một vòng lá nguyệt quế đôi dành riêng cho hai người.
Tại nhà thờ, cô dâu và chú rể sẽ chỉ định người đội stefana và đeo nhẫn vào ngón tay giúp họ. Vương miện cưới (stefana) của vợ chồng được nối với nhau bằng một dải lụa hoặc ruy băng – biểu tượng của sự gắn bó lâu dài và đồng thời thể hiện địa vị của nữ hoàng và nhà vua trong gia đình tương lai của riêng họ.
9. Trồng cây (trong chậu)
Vợ chồng người Hoa truyền thống cũng có nghi thức trồng cây, nhưng là khi đứa con nhỏ chào đời. Còn ở đám cưới hiện đại, vợ chồng trồng cây tượng trưng cho sự bắt đầu của trang mới trong hôn nhân mà họ sẽ cùng nhau vun đắp.
Nếu đám cưới được tổ chức ngoài trời, họ sẽ cùng trồng một cây non. Trong buổi lễ, dâu rể vẫn trong lễ phục sẽ cùng nhau lấp đất từ hai chiếc bồ khác nhau cho đến khi rễ cây được phủ kín.
Với tiệc cưới trong nhà, dâu rể cùng ươm một cây non vào chậu đất, cùng nhau xúc đất và tưới nước. Sau buổi lễ, chậu cây non sẽ được cặp đôi mang về nhà để tiếp tục chăm sóc.
Cây non được vun trồng thì sẽ phát triển tươi tốt, tượng trưng cho sự quan tâm, vun vén từ hai vợ chồng cho đời sống hôn nhân hạnh phúc, bền chặt.
Bài đọc thêm:
- Tại sao có tục ném gạo vào cô dâu và chú rể trong đám cưới
- 5 phong tục sử dụng hoa độc đáo trong ngày cưới trên thế giới
- Tráp hoa quả ngày ăn hỏi – Ý nghĩa và một vài sự đổi thay
- Các bố mẹ sẽ trao đổi những gì trong lễ dạm ngõ hiện đại?
- Trình tự lễ ăn hỏi hiện đại ở miền Bắc và những khác biệt truyền thống