5 sai lầm thường gặp các cặp đôi tự chuẩn bị đám cưới
1. Quên trình tự dịch vụ
Có nhiều dịch vụ cần phải quan tâm khi chuẩn bị đám cưới và có nhiều cách để phân chia, một cách căn bản nhất là theo thứ tự thời gian. Có những dịch vụ bạn cần trải nghiệm từ sớm hoặc đặt trước, có những dịch vụ nên chốt khi lễ cưới đã tới gần. Ví dụ:
Trang trí tư gia và tiệc cưới: tuy có nhiều đơn vị trang trí cưới cũng như có nhiều địa điểm tổ chức tiệc nhưng ngày đẹp là có hạn. Trong những ngày này, các sảnh cưới thường chỉ có thể nhận tối đa 2 tiệc cho mỗi buổi và decorator thì nhiều hơn một chút.
Tìm được đúng địa điểm hợp lý và nhà décor hợp gu lại càng thu hẹp lựa chọn nên đây là những dịch vụ cần ưu tiên đặt trước. Chưa kể, đây cũng là hai khoản ngân sách được chú ý nhiều nhất.
Lễ phục cưới: chỉ qua 1-2 tuần không chăm chút thì size quần áo của bạn đã có thể thay đổi. Nói cách khác, bộ vest cưới và váy cưới bạn thử 3-4 tháng trước lễ cưới có thể sẽ sai số đáng kể khi lễ cưới đến gần. Bạn nên chốt trang phục chỉ trước khoảng một tháng.
2. Quá ưu ái tiểu tiết
Có thể bạn rất hứng thú với những tấm thiệp cưới tự thiết kế hoặc bó hoa cưới handmade. Đây là những chi tiết sẽ khiến đám cưới trở nên tinh tế và đặc biệt. Tuy nhiên, nếu những hạng mục nhỏ này chiếm dụng quỹ thời gian thì lúc nào bạn sẽ duyệt thiết kế trang trí ở nhà, đi tìm đơn vị quay chụp cưới, chọn chăn ga gối đệm mới cho đêm tân hôn? Đó là chưa kể hết những dịch vụ nêu trước đó.
3. Tự giới hạn lựa chọn
Cùng một dịch vụ nhưng nhà cung cấp khác nhau sẽ đưa ra mức chi phí khác nhau cũng như các gói dịch vụ khác nhau. Có thể đối với cuộc nói chuyện đầu tiên bạn cảm thấy rất phù hợp, tuy nhiên chúng ta luôn là những ‘tấm chiếu mới’ khi tổ chức đám cưới. Hãy luôn tham khảo ý kiến của bạn bè và mở rộng lựa chọn để có thể cân nhắc tìm được dịch vụ đảm bảo nhất.
Ví dụ: Bạn tìm đến dịch vụ photo/videography, tham khảo album tại chỗ và trả khoản tiền cọc. Nếu đó là một sự chuẩn bị vội vàng thì làm thế nào cho đúng?
Trong quá trình đồng hành cùng cô dâu chú rể, team PhiLinh thường khuyên các cặp đôi hãy trải nghiệm nhiều hơn 1 dịch vụ quay chụp. Trong quá trình đó, cặp đôi nên trao đổi nhiều với các bạn quay chụp để nhận tư vấn. Nếu kết quả ảnh phù hợp, hãy nhớ chính xác người đã chụp pre-wedding cho bạn và yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ chọn đúng người.
4. Gửi thiệp cưới quá muộn
Có một đặc điểm chung của rất nhiều đám cưới Việt Nam là dâu rể và bố mẹ phải đi tận nơi để gửi trực tiếp thiệp mời. Bạn không thể xin nghỉ làm để đưa thiệp cưới nên việc này cần tranh thủ. Đây là bài toán mà cả nhà sẽ phải cùng nhau cân nhắc.
Cụ thể hơn: Danh sách khách mời dài bao nhiêu, trong đó có bao nhiêu người phải mời tận nơi, sau đó phân công viết tên khách lên thiệp, sau đó thì bố mẹ sẽ và con cái sẽ phải tự chịu trách nhiệm gửi thiệp mừng đám cưới tận tay khách mời?
Nếu bạn để ý, việc trao thiệp cưới có thể làm thong thả và chỉ mất khoảng 3-4 tuần để hoàn tất.
5. Không tìm hiểu trước khi tìm planner
Planner có thể tư vấn cho bạn nên làm gì, làm như thế nào, phân chia hạng mục ra sao. Tuy nhiên bạn khó có thể hiểu kỹ bản ‘kế hoạch tổng hợp’ khi không chịu tìm tòi. Hãy nhớ rằng planner là người đồng hành còn bạn mới là người ra quyết định.
Đừng phó mặc đám cưới vì đây chính là bước đệm quan trọng để bước sang trang mới của cuộc sống hôn nhân – với vô vàn những thay đổi và kế hoạch cần phải chuẩn bị trước.
Bài đọc thêm:
- PhiLinh tham dự Wedding Fair 2023 tại Almaz | Chủ đề: Le Jardin d’Amour
- Làm thế nào để khoanh vùng an toàn với gia đình khi lập kế hoạch cho đám cưới
- Lễ cưới Việt tối giản được các gia đình hiện nay nhìn nhận thế nào?
- Xu hướng chụp ảnh cưới trên thế giới đến Việt Nam trong năm 2023
- Nguồn gốc và ý nghĩa của chữ Hỷ trong đám cưới?