Hoa cưới không chỉ là vật trang trí đơn thuần mà còn xuất hiện trong nhiều phong tục ý nghĩa trên thế giới…
1. Người Ý trang trí xe hoa
Phong tục có thể cho thấy nhiều điều về con người của một đất nước. Xe cưới tại nước Ý thường được trang trí bằng những bông hoa. Những con người Ý lịch thiệp, chú trọng đến thẩm mỹ và phong cách đã nhẹ nhàng thông báo về đám cưới của mình bằng hoa cỏ. Sắc hoa trang trí xe cũng thường được lựa chọn trang nhã, hoa trắng hoặc hoa đỏ mang vẻ tự nhiên trên nền lá xanh.
Mỗi khi thấy một chiếc xe cưới, những người đi đường sẽ hồ hởi với cặp đôi mà nói lớn “Aguri!”, nghĩa là xin chúc mừng các bạn.
2. Người Thái kết Phuang malai
Phuang malai tiếng Việt có nghĩa là vòng kết hoa. Vòng kết hoa của người Thái được sử dụng trong nhiều dịp khác nhau nên cũng có nhiều loại khác nhau. Loại dùng cho lễ cưới được gọi là mailai song chai (vòng kết hoa hai đuôi), do được làm thành hai đuôi nhỏ, nối với nhau bằng dải ruy băng thêu vàng.
Vòng hoa này hết sức đặc biệt, người thợ thủ công phải tỉ mẩn tách chồi, cánh, đài hoa và lá mà vẫn giữ nguyên vẻ đẹp của từng bộ phận nhỏ. Sau đó, họ cẩn thận ghép lại để tạo thành một tác phẩm nghệ thuật mới. Đây không chỉ là một phục sức cho lễ cưới, mà còn thể hiện sự trân trọng mà cô dâu và chú rể dành cho nhau, thể hiện mong ước gắn kết lứa đôi lâu bền.
3. Mexico làm El Lazo (Lasso) và dâng hoa
Đám cưới của người Mexico có nghi lễ El lazo để thể hiện sự hợp nhất của cặp đôi. Sau khi trao lời thề hẹn ước, cặp đôi sẽ quỳ gối trước thánh giá và được cha mẹ đỡ đầu quàng vòng dây el lazo lên vai. Theo tục lệ của người Mexico, như vậy là hai con người vốn tách biệt giờ đây đã được kết nối dưới sự chứng kiến và chúc phúc thiêng liêng của Chúa trời và gia đình.
Vòng dây sử dụng trong nghi lễ có thể được kết bằng hoa, làm từ lụa, hoặc là một chuỗi tràng hạt. Ngoài ra, người Mexico còn sử dụng hai bó hoa cưới trong lễ cưới. Một bó hoa được chuẩn bị sẵn để dâng lên Đức mẹ Maria với mong muốn nhận sự chúc phúc của thánh thần.
4. Người Ấn trao Jaimala dưới mandap
Trong sử thi Ramayana của Ấn Độ, nàng Sita đã trao vòng hoa (jaimala) cho Rama thay cho lời đồng ý trở thành vợ chồng. Trong một nghi lễ Ấn Độ cổ đại gọi là Swayamwar, những cô gái cũng trao vòng hoa cho người mình chọn làm bạn đời. Ngày nay, cô dâu và chú rể Ấn Độ cũng đều đeo vòng hoa trong ngày cưới.
Trong ngày cưới ở Ấn Độ, hoa xuất hiện ở khắp nơi, rạp cưới (mandap) cũng được trang hoàng bằng nhiều loại hoa như cúc trắng, cúc vạn thọ, hoa hồng… Bốn chân của mandap là tượng trưng cho cha mẹ của hai bên, thể hiện công lao nuôi nấng và che chở các bậc sinh thành, cũng như sự kết hợp của hai gia đình.
5. Ukraina thay vinok
Vòng hoa đội đầu của những cô gái Ukraine được gọi là vinok, chúng ban đầu có ý nghĩa xua đuổi những linh hồn xấu xa, đen đủi. Khi đủ tuổi kết hôn, những cô gái trẻ sẽ tham gia lễ hội Ivanа-Kupala để đoán vận mệnh tương lai của bản thân. Các nàng sẽ thắp trên vòng hoa một ngọn nến rồi thả xuôi theo dòng sông.
Nếu vòng hoa bình an xuôi dòng cho đến khi khuất bóng, cô sẽ có một người chồng tốt với cuộc sống hạnh phúc bền lâu; vòng hoa đứng im nghĩa là cô gái sẽ không chồng; vòng hoa chìm nghỉm là báo hiệu của việc chủ nhân sẽ mất sớm. Đối với ngọn nến, nếu nến tắt trước khi vòng hoa khuất dạng sẽ cho thấy vận xui nào đó trong tương lai. Ngoài ra, nếu có một chàng trai nào đó lặn xuống nước để lấy vòng hoa thì cô gái sẽ lấy người đó làm chồng.
Vinok thể hiện sự trong trắng của cô gái, chưa kết hôn thì mới có vòng hoa đội đầu. Trong đám cưới tại Ukraine, cô dâu sẽ thay vinok bằng ochipok và namitka, những phục trang che kín mái tóc dài của người phụ nữ đã có chồng. Phong tục này tượng trưng cho việc mái tóc đẹp đẽ của cô gái giờ đây sẽ dành cho chỉ một người mà thôi.
Bài đọc thêm: