Đại dịch để lại ảnh hưởng lớn đến tài chính cá nhân. Chính vì vậy bạn cần lưu ý khi lập kế hoạch hôn lễ mùa dịch…
Nghĩ về mục tiêu
Điều đầu tiên nên làm là dành thời gian suy ngẫm về cuộc sống hôn nhân, về những gì bạn muốn tự mình hoặc cùng bạn đời thực hiện và trải nghiệm. Chẳng hạn, hãy tự hỏi bản thân xem mình đã hài lòng với sự nghiệp hiện tại hay chưa chưa, có muốn học tiếp không, hoặc bạn đã muốn có con chưa và sẽ nuôi con trong môi trường ra sao, hay liệu bạn có muốn mua nhà không, v.v…
Có thể bạn sẽ không trả lời được hết tất cả và cũng có thể bạn sẽ đổi ý giữa chừng, nhưng hãy cứ thảo luận với người bạn đời tương lai về câu chuyện của ngày mai, của mười năm nữa, cho đến tận tuổi về hưu. Những cuộc trao đổi này sẽ củng cố mối quan hệ của hai người, giúp bạn biết rõ cảm nhận của bản thân về hôn lễ và hiểu được tầm quan trọng của ngày đặc biệt này so với những mục tiêu khác trong cuộc sống.
Để hình dung cụ thể hơn, hãy áng chừng vài con số. Nếu mua nhà là ưu tiên hàng đầu, bạn sẽ cần phải tiết kiệm khoảng bao nhiêu cho đặt cọc? Hoặc nếu bạn muốn quay lại trường lớp, hay bắt đầu kinh doanh, chi phí sẽ lớn khoảng từng nào? Kiểu suy ngẫm này thiết thực để hiểu những gì bạn cần đánh đổi và cũng là then chốt để xác định mức chi trả cho đám cưới mà bạn cảm thấy thoải mái.
Giữ vững “hạn mức chi”
Không chỉ là dịp riêng của lứa đôi, hôn lễ còn là thời điểm gắn kết gia đình và bạn bè. Vì vậy sẽ thật sai lầm khi nghĩ rằng hôn lễ chỉ hao tiền tốn của. Dẫu vậy, bạn vẫn nên nhớ rằng ngành công nghiệp cưới hỏi có hàng triệu cách khiến bạn vung tay quá trán, kể cả với một đám cưới khiêm tốn.
Lời khuyên ở đây thật đơn giản. Hãy ấn định chi phí tối đa bạn có thể bỏ ra. Hãy dành thời gian tìm hiểu. Nắm bắt giá thị trường và giá cả, sẵn sàng cân đối các hạng mục và cuối cùng là để ra một khoản nhằm phòng hờ bất trắc. Hãy nhớ, sự xa hoa không làm nên hôn lễ đáng nhớ, chính các bạn mới là người làm nên điều đó.
Hôn lễ chỉ là của các bạn
Ngân sách là mấu chốt, nhưng kế hoạch hôn lễ lại cần cả bộ óc và con tim. Đặt vấn đề tiền nong sang một bên, chỉ bạn và người yêu mới có thể hình dung ra một đám cưới ý nghĩa nhất cho cả hai. Đừng quá bận tâm đến mong đợi của người khác, hay thậm chí của chính bản thân các bạn từ trước khi đại dịch xảy ra.
Một khi đã dành thời gian để suy nghĩ và thảo luận về hôn lễ (nhớ xét đến mục tiêu tương lai và cuộc sống chung của cả hai nhé), bạn sẽ có một cái nhìn đúng đắn hơn. Nếu bạn cảm thấy ổn với một buổi tiệc nhỏ cùng họ hàng và bạn bè thân thiết thay vì một bữa tiệc xa hoa, hãy tin tưởng vào suy nghĩ của mình.
Quản lý ngân sách lâu dài
Nếu bạn đã tiết kiệm tiền trước đám cưới, xin chúc mừng. Một trong những điều tệ hại nhất là bắt đầu cuộc sống hôn nhân với một khoản nợ sau lưng. Sẽ còn khôn ngoan hơn nữa nếu bạn suy tính cẩn thận về nơi giữ tiền trước khi tổ chức hôn lễ.
Theo quy luật chung, số tiền cần dùng đến trong ba năm tới không nên được đổ vào chứng khoán hay bất cứ hình thức đầu tư mạo hiểm nào khác. Điều này cũng áp dụng với khoản dự phòng khẩn cấp (bạn nên tiết kiệm ít nhất 3-6 tháng lương để phòng hờ bất trắc), cũng như số tiền dành cho hôn lễ và những mục tiêu ngắn hạn.
Tài khoản tiết kiệm có thể là nơi giữ tiền hợp lý. Tất nhiên lãi suất rất thấp, nhưng ưu tiên ở đây là sự an toàn và lưu động, thay vì lợi nhuận. Dẫu vậy, tiền tiết kiệm cho mục tiêu lâu dài lại là một câu chuyện khác. Nếu có một khoản để dành cho tuổi về hưu, bạn có thể đầu tư vào cả cổ phiếu và trái phiếu (khi mục tiêu nằm ở tương lai xa, bạn thường có nhiều thời gian để vượt qua những rủi ro không thể tránh khỏi, đồng thời dần dần tích lũy tài sản).
Kết luận
Nhìn thoáng qua, tiền bạc khó có thể coi là một chủ đề tình cảm. Nhưng thực chất, quyết định tài chính của một cặp đôi thể hiện giá trị và tầm nhìn chung của cả hai về cuộc sống. Xin gửi những lời chúc chân thành nhất tới bạn và người yêu khi các bạn tổ chức hôn lễ và bước sang một trang mới của cuộc đời.
Bài đọc thêm:
- Bình luận của cựu cố vấn Tổng thống Mỹ đối với vấn đề hôn nhân mùa Covid
- Khảo sát: Lý do hàng đầu của hôn nhân là ‘minh chứng của tình yêu và cam kết
- Cặp đôi tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm ngày cưới chia sẻ bí kíp hôn nhân hạnh phúc
- Tự chuẩn bị trang trí cưới tại nhà và sự chủ động của Gen Z, Gen Y
- Wishlist trong đám cưới là gì và khi nào nên dùng đến Wishlist?